Ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản (Bài 1): Nhiều bất cập hiện hữu
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 13:00, 01/12/2020
Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng
Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau và có 1.100 doanh nghiệp khai khoáng. Hiện ngành khai thác khoáng sản đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ…
Trung bình mỗi năm ngành công nghiệp khai khoáng nước ta cung cấp cho nền kinh tế khoảng 90 triệu tấn đá vôi xi măng, khoảng 70 triệu m3 đá vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), gần 100 triệu m3 cát xây dựng, cát san lấp, trên 45 triệu tấn than, trên 3 triệu tấn quặng sắt… Giá trị sản lượng ngành khai khoáng (không kể dầu khí) chiếm khoảng 4-5% tổng GDP hàng năm; đóng góp trực tiếp cho ngân sách từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường (không kể dầu khí) từ năm 2014 đến nay trung bình từ 16-20.000 tỉ đồng, trong đó thuế tài nguyên từ 10.000 – 11.000 tỉ đồng mỗi năm.
Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Ảnh minh họa.
Dầu khí: Đứng đầu trong danh sách các loại khoáng sản có trữ lượng lớn nhất nước ta phải kể đến dầu khí. Vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2, trong đó, hơn một nửa có tiềm năng khai thác dầu khí. Theo các chuyên gia, những khu vực có trữ lượng dầu khí bao gồm: khu vực biển Trường Sa, biển Nam Côn Sơn, đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng. Hiện nay, các nhà máy có thể khai thác 30 – 40 nghìn thùng/ngày, tương đương khoảng 20 triệu tấn/năm.
Than đá: Là loại khoáng sản vô cùng thân thuộc với mỗi chúng ta. Than đá đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm vừa qua. Hiện nay, than đá thường phân bố chủ yếu ở: Thái Nguyên, Phú Thọ, sông Đà. Đặc biệt, bể than Quảng Ninh là nơi có trữ lượng than đá lớn nhất (trên 3 tỉm tấn).
Apatit: Là nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, apatit được sử dụng rất rộng rãi trong ngành sản xuất phân bón. Mỏ apatit ở Lào Cai có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Đất hiếm: Là loại khoáng sản có trữ lượng “vô cùng ít” trong lớp vỏ Trái Đất, đất hiếm là nguyên liệu quan trọng để sản xuất các vật dụng: nam châm vĩnh cửu, phân bón vi lượng, đèn cathode. Tuy nhiên, đất hiếm lại chứa rất nhiều nguyên tố độc hại, nếu không được khai thác theo quy trình, đất hiếm sẽ gây hại cho công nhân cũng như gây ô nhiễm môi trường.
Đá vôi: Nguyên liệu chính để sản xuất ra những bao xi măng chính là đá vôi. Tại nước ta, đá vôi phân bố chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam. Ngoài việc khai thác để sản xuất xi măng, đá vôi còn được sử dụng cho các ngành như: luyện kim, sản xuất thủy tinh, sản xuất hóa chất.
Quặng Titan: Nước ta có nguồn tài nguyên titan khá phong phú và đa dạng. Có thể phân chia quặng titan thành 2 loại chính: – Quặng titan gốc trong đá, tập trung chủ yếu ở: Thái Nguyên, Phú Lương. – Quặng titan sa khoáng, phân bố chủ yếu ở các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Vũng Tàu.
Ngoài ra, Việt Nam còn một số khoáng sản kim loại khác như: quặng đồng, quặng sắt, mangan, antimon, thủy ngân, molipden, felspat, kaolin, sét kalin làm nguyên liệu sứ gốm, đá ốp lát v.v… đã được phát hiện, đánh giá tiềm năng tài nguyên, nhưng tài nguyên các loại khoáng sản này không lớn, phân bố rải rác.
Còn nhiều bất cập trong khai thác khoáng sản
Là quốc gia có nhiều tiềm năng về khoáng sản, thời gian qua, các ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, gần đây tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi dọc theo sông Hồng sử dụng tàu cuốc, xe múc, máy nổ làm huỷ hoại môi trường sinh thái, làm sạt lở đất, làm biến đổi dòng chảy sông, và thay đổi chất lượng nước sông.
Cùng với đó, hoạt động khai thác khoáng sản phát triển bên ngoài khu vực nông thôn, đặc biệt khai thác khoáng sản đầu nguồn, thải các chất gây ô nhiễm theo dòng chảy mặt hoặc phát tán qua môi trường không khí, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nông thôn.
Điển hình là hoạt động khai thác mỏ than lộ thiên, do phải bốc xúc một lượng đất đá thải khá lớn, đất đá bị đào xới. Các đồng ruộng, khe suối phía dưới các bãi thải bị bồi lấp do sạt lở, xói mòn khi mưa lũ. Trong khai thác vàng, ngay tại các mỏ vàng đã được cấp phép, đa số các nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải, tình trạng nước thải chưa qua xử lý chứa các loại hóa chất độc hại như xianua, thủy ngân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản còn ảnh hưởng đến mực nước ngầm, bao gồm hạ thấp mực nước ngầm của những vùng lân cận và thay đổi hướng chảy trong túi nước ngầm; ô nhiễm túi nước ngầm nằm dưới vùng khai mỏ do nước bị ô nhiễm ở tầng mặt ngấm xuống.
Không những vậy, hoạt động vận chuyển khoáng sản cũng gây tác động xấu đến môi trường không khí do khói, bụi trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ.
Cũng theo Bộ TN&MT, những năm gần đây, phong trào đầu tư xây dựng thủy điện ồ ạt, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc hệ thống thủy điện đã làm suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi hệ sinh thái ở những nơi đặt công trình và những vùng lân cận, trong đó có vùng nông thôn.
Cùng với đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp địa phương như sản xuất gạch ngói cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Tình trạng nông dân bán ruộng cho các chủ lò khai thác đất làm gạch ngói vẫn còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương thuộc các vùng Đông Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh Tây Bắc.
Minh Hoàng