Thanh Trì (Hà Nội): Nhiều bất cập trong việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, Tài nguyên nước tại dự án xây dựng trường THPT Ngọc Hồi

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:46, 09/12/2024

Những năm qua, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước. Để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trong bối cảnh tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều trường học mới ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai xây dựng cũng còn một số vấn đề mà UBND thành phố và các Sở ngành liên quan cần phải quan tâm xử lý đặc biệt là việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước trong quá trình xây dựng
Ô nhiễm môi trường

Thanh Trì (Hà Nội): Nhiều bất cập trong việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, Tài nguyên nước tại dự án xây dựng trường THPT Ngọc Hồi

Nhóm PV 09/12/2024 08:46

Những năm qua, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước. Để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trong bối cảnh tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng nhiều trường học mới ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai xây dựng cũng còn một số vấn đề mà UBND thành phố và các Sở ngành liên quan cần phải quan tâm xử lý đặc biệt là việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước trong quá trình xây dựng

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định rõ trong quá trình thi công xây dựng các công trình, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy định bắt buộc để đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, tại những dự án đầu tư xây dựng công trình công còn không ít những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý cũng như việc thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường, hạn chế những ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới môi trường xung quanh trong quá trình xây dựng, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống đã tìm hiểu, khảo sát, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “Những ảnh hưởng của các dự án đầu tư xây dựng đến môi trường xung quanh”. Với mục đích đưa ra những đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đảm bảo đúng luật, góp phần phòng ngừa những ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.

Trong quá trình triển khai chuyên đề, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã nhận được thông tin về Dự án “Xây dựng trường THPT Ngọc Hồi” thi công đã gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, công nhân nấu nướng, ăn uống tại công trường gây tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, dự án thi công không có cầu rửa xe khiến xe ra, xe vào kéo theo đất cát gây ảnh hưởng đến môi trường.

Được biết, Dự án xây dựng trường THPT Ngọc Hồi nằm trên khu đất rộng 18.305,3 m2 tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Dự án thuộc dự án nhóm B, quy mô 1.800 học sinh.

Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 145 tỉ đồng. Sau khi hoàn thiện, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu về chất lượng giáo dục chất lượng cao cho huyện Thanh Trì.

W_nh-1.jpg
Khu vực lán trại tạm của công nhân không đảm bảo về PCCC, nước thải trong quá trình thi công, nấu nướng, sinh hoạt không được thu gom mà xả thẳng ra cống chung gây ảnh hưởng đến môi trường.

Tuy nhiên, theo một số người dân, trong quá trình triển khai thi công dự án gây bụi bặm, nước thải trong quá trình thi công, nấu nướng, sinh hoạt không được thu gom mà xả thẳng ra cống chung gây ảnh hưởng đến môi trường.

Nhằm tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường của dự án Xây dựng trường THPT Ngọc Hồi, ngày 19/11/2024, PV đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP Hà Nội.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Quân – Phó phòng Tổ chức Hành chính cho biết: "Dự án được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép môi trường số 181/GPMT-UBND ngày 26/10/2022. Dự án đang trong quá trình thi công xây dựng, nên chỉ phát sinh chất thải rắn xây dựng, không phát sinh chất thải nguy hại. Nhà thầu thi công đã ký với đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn, chất thải xây dựng phát sinh trong quá trình thi công được thu gom vận chuyến đến bãi tiếp nhận. Hiện nay dự án đang tận dụng nước giếng khoan để phục vụ sinh hoạt cho công nhân, còn dự án không sử dụng nước giếng khoan để phục vụ thi công công trình. Việc giếng khoan có giấy phép khai thác nước ngầm hay không, Ban QLDA không nắm được. Hiện dự án đang triển khai lắp đặt thi công cầu rửa xe".

Liên quan đến việc nước thải trong quá trình công nhân nhân ăn ở tại dự án được xử lý như thế nào, ông Quân cho biết: "Tại công trường có bể tự hoại".

W_nh-5.jpg
Tại cổng Dự án cũng không có cầu rửa lốp vậy các xe ra vào công trường có được rửa lốp theo quy định không?

Tại phụ lục 3 của Giấy phép môi trường có nêu rõ, chủ đầu tư phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải trong giai đoạn thi công xây dựng như sau:

- Nước thải thi công gồm có nước vệ sinh các thiết bị, nước tưới đường, nước phục vụ cho các hoạt động xây dựng (trộn nguyên vật liệu, rửa vật liệu, rửa xe). Bố trí 01 khu rửa xe có diện tích khoảng 20 m, vị trí rửa xe tại cổng ra vào công trường (dự kiến cổng chính phía Đông Bắc dự án). Nước thải phát sinh từ hoạt động rửa xe, rửa dụng cụ thi công được thu gom vào 01 hố lắng có cấu tạo 3 ngăn với tổng thể tích 12 m2, mỗi ngăn có thể tích 4 m (kích thước: 2m x 2m x 1m). Tại đường ống nối từ ngăn lắng 1 sang ngăn lắng 2 và từ ngăn lắng 2 sang ngăn lắng 3 có bố trí lớp vải lọc dầu. Lớp vải lọc dầu được thay định kỳ khoảng 3-4 tuần lần và được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định về chất thải nguy hại. Nước thải thi công được sử dụng tuần hoàn, không thải ra môi trường. Lượng bùn lắng sau khi nạo vét từ hố lắng, hệ thống rãnh thu sẽ thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và đổ thải theo quy định.

+ Công trình, thiết bị xử lý nước thải: Chủ Dự án phải thuê nhà vệ sinh lưu động (3 nhà vệ sinh lưu động loại 2 ngăn). Hợp đồng với đơn vị có chức năng định kỳ 01 tuần/lần thu gom chất thải từ nhà vệ sinh lưu động và xây dựng hệ thống thoát nước tạm trên công trường. Nhà vệ sinh lưu động (Kích thước 950mmx1300mmx2500mm): Làm bằng vật liệu composite chứa cốt sợi thủy tinh và keo hoàn toàn không pha bột đá, không sắt thép, không rỏ rỉ và chịu được tác động cao của môi trường nắng gió, mưa..

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng một số phòng học cũ để cho công nhân ăn ở, sinh hoạt. Nước thải, rác thải trong quá trình ăn uống sinh hoạt của công nhân không được thu gom mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc công nhân ăn ở, sinh hoạt tại lán tạm luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Ngày 30/11 vừa qua, tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội đã xảy ra vụ cháy tại lán tạm của Công ty CP Quốc tế CT Việt Nam và Công ty TNHH Nam Minh Hoàng trước đây sử dụng cho công nhân ở, sinh hoạt khi xây dựng dự án chung cư Osaka. Vụ cháy tác động nhiệt làm kết cấu khung thép, mái tôn tạm của công trình bị biến dạng một số vị trí và tác động nhiệt, gây cháy một phần đến 4 xe ô tô đỗ gần khu vực xảy ra cháy.

Theo ghi nhận của PV, tại công trình xây dựng trường THPT Ngọc Hồi có 01 giếng khoan có dấu hiệu không phép để cho công nhân sử dụng trong quá trình sinh hoạt. Điều này đang có dấu hiệu chưa thực hiện đúng và đầy đủ Luật Tài nguyên nước.

W_nh-4.jpg
Tại công trình xây dựng trường THPT Ngọc Hồi có 01 giếng khoan có dấu hiệu không phép để cho công nhân sử dụng trong quá trình sinh hoạt

Tại cổng Dự án cũng không có cầu rửa lốp vậy các xe ra vào công trường có được rửa lốp theo quy định không?

Đối chiếu với Giấy phép môi trường đã được UBND TP. Hà Nội cấp thì Dự án xây dựng trường THPT Ngọc Hồi đã thực hiện đúng và đầy đủ theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Tài nguyên nước hay chưa? Câu hỏi này PV xin gửi tới lãnh đạo các cơ quan chức năng để có câu trả lời tới bạn đọc.

Đặc biệt, tại mục B - Yêu cầu về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường thuộc Phụ lục 2 của Giấy phép môi trường có nêu:

- Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại phải đáp ứng quy định tại Điều 36 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Chương X Luật Bảo vệ môi trường, Chương IX Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và phù hợp với đặc điểm hiện trạng của Bệnh viện. Trường hợp kế hoạch ứng phó sự cố môi trường được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng với kế hoạch ứng phó sự cố khác theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường thì phải bảo đảm có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tế đây là dự án xây dựng trường học nhưng không hiểu vì sao yêu cầu về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường tại Giấy phép môi trường được cấp lại là phù hợp với hiện trạng của Bệnh viện? Điều này cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Có hay không việc “râu ông nọ cắm cằm bà kia”?

W_nh-6.jpg
Một dự án xây dựng trường học nhưng không hiểu vì sao yêu cầu về phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường tại Giấy phép môi trường được cấp lại là phù hợp với hiện trạng của Bệnh viện?

Những dấu hiệu còn tồn tại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công tại Dự án Xây dựng trường THPT Ngọc Hồi đang hiện hữu ngay trước mắt. Dư luận đang đặt câu hỏi, trong suốt thời gian dự án thi công đến nay thì các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì, xã Ngũ Hiệp có đi kiểm tra hay không? Và nếu có đi kiểm tra thì có phát hiện ra những dấu hiệu còn tồn tại trên hay không?.

W_nh-2.jpg
Công nhân thi công không trang bị bảo hộ lao động, quá trình thi công không được che chắn lưới theo đúng quy định khiến lượng bụi phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh

Không chỉ có vậy, tại công trình xây dựng trường THPT Ngọc Hồi, quá trình thi công không được che chắn lưới theo đúng quy định khiến lượng bụi phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường xung quanh. Thực trạng này lãnh đạo Ban quản lý dự án và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì có nắm bắt được không?

Trước sự việc trên, kính mong Thành ủy, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các phòng ban chức năng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước của dự án “Xây dựng trường THPT Ngọc Hồi”.

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng như sau:

Việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:

a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;

b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;

c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;

đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;

e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.

Nhóm PV