Bạc Liêu đối mặt nguy cơ thiệt hại lớn do triều cường
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:00, 09/12/2024
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện mưa trái mùa với lượng mưa có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, đây là giai đoạn cuối mùa khô nên lượng mưa tăng cao không đáng kể.
Theo dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,2m. Trong khi đó, dự báo triều cường mùa năm 2025 ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nguy cơ xuất hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024-2025 vẫn có thể xảy ra và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô các năm 2023-2024, năm 2015-2016 và năm 2019-2020.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh cuối nguồn nước ngọt nên ảnh hưởng xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 cao hơn mức trung bình nhiều năm. Theo dự báo của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Bạc Liêu là 10/13 tỉnh, thành có nguy cơ xâm nhập mặn cao. Độ mặn trên các sông Bạc Liêu, Gành Hào, các sông, kênh vùng chuyển đổi trong hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp cao hơn 4g/lít. Các khu vực ảnh hưởng chính gồm các huyện: Hồng Dân, Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TX Giá Rai.
Theo cảnh báo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Bạc Liêu, từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025, khu vực huyện Hồng Dân có nguy cơ thiếu nước nuôi tôm. Tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng công trình cống điều tiết nước, xây dựng đê bao khép kín kết hợp trạm bơm, nâng cấp mở rộng các cống hiện trạng có khẩu độ nhỏ. Xây dựng và thực hiện lịch điều tiết nước linh hoạt, vận hành hệ thống các công trình thủy lợi kết hợp lịch thời vụ sản xuất thuộc 2 vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh.
Để phòng chống triều cường dâng cao từ nay đến cuối mùa lũ năm 2024 và nguy cơ hạn hán xâm nhập mặn vào đầu mùa khô năm sau, Cục Thủy lợi kiến nghị các tỉnh vùng giữa và ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cần đề phòng triều cường dâng cao vào các tháng cuối năm, chủ động gia cố hệ thống đê bao bờ bao xung yếu bảo vệ sản xuất.
Các tỉnh xây dựng kế hoạch xuống giống sớm ở những khu vực lũ đã rút, nhằm tránh lấy nước tập trung vào thời kỳ nắng nóng hạn hán gay gắt. Các hệ thống thủy lợi khép kín như hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, Nam mang Thít, Gò Công, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Quản Lộ-Phụng Hiệp, Bến Tre, Cần Đước-Cần Giuộc... theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa và nguồn nước trên sông Mekong để vận hành các công trình nhằm tăng cường trữ nước trên hệ thống.
Địa phương rà soát các vị trí đắp đập tạm, tu bổ các công trình thủy lợi nhằm tăng cường lấy và trữ nước ở các khu vực có nguy cơ bị mặn xâm nhập trong mùa kiệt.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Dự báo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam... để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.
Cục Thủy lợi cho biết dòng chảy trên thượng nguồn sông Mekong tại trạm Kratie (Campuchia) và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 11 vừa qua đều có xu thế giảm. Mực nước lũ nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 11 vừa qua ở mức thấp trên vùng Thượng, ở mức cao trên vùng giữa và ven biển do triều cường cao.
Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương đầu tư xây dựng các dự án như: Dự án xây dựng các cống dọc theo bờ Tây kênh Ngan Dừa - Cầu Sập (18 cống), huyện Vĩnh Lợi và huyện Phước Long, nguồn vốn dự kiến 300 tỉ đồng; Dự án nâng cấp hệ thống các cống dọc theo Quốc lộ 1A (21 cống), TX Giá Rai, huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi, nguồn vốn dự kiến 500 tỉ đồng. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A, nhất là hạng mục xây dựng trạm bơm tại cống Cầu Sập.
Triều cường cao sẽ gây ngập tại những vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông, khu vực ngoài đê bao, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, vỡ đê và xâm nhập mặn, nhất là trong trường hợp kết hợp với nước dâng và sóng lớn do bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa có cường độ mạnh ảnh hưởng tới khu vực.
Các tình huống thời tiết thiên tai bất thường như: triều cường, ngập mặn, sạt lở đất... không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, mà còn làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch và khả năng để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Đặc biệt, khi môi trường ẩm thấp kéo dài và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ là nguồn lây bệnh rất lớn.