Thách thức ô nhiễm môi trường từ chợ cóc, chợ tạm - Bài 1: Chợ cóc, chợ tạm, vì sao vẫn tồn tại?

Emagazines - Ngày đăng : 06:55, 12/12/2024

Được ví như một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam nhưng chợ cóc, chợ tạm lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.
Emagazines

Thách thức ô nhiễm môi trường từ chợ cóc, chợ tạm - Bài 1: Chợ cóc, chợ tạm, vì sao vẫn tồn tại?

Lam Trinh 12/12/2024 06:55

Được ví như một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam nhưng chợ cóc, chợ tạm lại đang tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.

z6058845714521_b3094c7260a9283c199e2c509d5b4882.jpg

Trong bối cảnh nhiều thành phố đang phải đối mặt với những thách thức về hạ tầng, giao thông và môi trường do tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh như hiện nay thì một trong những yếu tố góp phần vào tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng chính là sự phát triển tràn lan của chợ cóc, chợ tạm. Những khu chợ này tuy nhỏ lẻ nhưng lại gây ra những tác động lớn tới môi trường, cảnh quan và cuộc sống người dân.

anh-3.png
Từ thời xa xưa, chợ cóc, chợ tạm đã xuất hiện ở bất cứ vùng quê nào của người dân Việt Nam

Có thể coi hình ảnh “trên bến, dưới thuyền” là sự sơ khai của chợ cóc, chợ tạm, được tìm thấy ở bất cứ vùng quê nào của người dân Việt Nam. Thế nhưng trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển như vũ bão hiện nay, sự ra đời của đa dạng các loại hình mua bán trên không gian mạng nhưng chợ cóc, chợ tạm vẫn tồn tại và có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là ở các khu đô thị mới.

Để hiểu rõ hơn về chợ cóc, chợ tạm, chúng ta cần nhìn lại lịch sử hình thành, sự phát triển của loại hình chợ này, cũng như lý do tại sao loại hình chợ này vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại.

Nguồn gốc và sự phát triển chợ cóc, chợ tạm qua các thời kỳ

Chợ cóc, hay còn gọi là chợ tạm, là một loại hình chợ truyền thống có lịch sử lâu đời, phát triển từ nhu cầu trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ và nhanh chóng của người dân. Từ thời phong kiến ở Việt Nam khi hệ thống giao thông còn sơ khai và thị trường tập trung chưa phát triển, người dân thường lập ra các điểm mua bán tự phát ở những nơi đông người qua lại như cổng làng, ven đường, hay bến đò,...

Những khu chợ này ban đầu chỉ họp tạm thời, người bán không cần quầy hàng cố định mà có thể bày biện trên chiếu hay thúng mẹt rồi theo thời gian, loại hình chợ này phát triển dần lên thành chợ phiên, chợ làng và hàng hóa vẫn chủ yếu là những sản phẩm do người dân tự sản xuất.

Ngay cả khi kinh tế phát triển và các chợ chính thức xuất hiện thì chợ cóc, chợ tạm vẫn giữ được vai trò quan trọng của nó. Trong thời kỳ chiến tranh, các khu chợ này cũng là nơi tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. Trong thời kỳ bao cấp, khi hàng hóa khan hiếm, các chợ này lại càng nở rộ và trở thành nơi trao đổi và phân phối lương thực, thực phẩm hàng ngày. Người ta có thể tận dụng bất kỳ không gian, địa điểm nào từ góc phố, lề đường cho đến những bãi đất trống,.. miễn là thực hiện được việc trao đổi hàng hóa. Có thể nói, ở thời điểm này, chợ cóc đã trở thành giải pháp linh hoạt trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

ky-1.jpg

Qua từng giai đoạn lịch sử, chợ cóc và chợ tạm dần trở nên phổ biến hơn. Khi Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi Mới (từ năm 1986), kinh tế thị trường bắt đầu mở cửa, kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, làn sóng nhập cư từ nông thôn ra thành phố khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao.

2.png
Chợ cóc, chợ tạm dần lan tỏa ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị, có mặt ở khắp các con phố, góc hẻm

Chợ cóc, chợ tạm không chỉ còn là nơi trao đổi hàng hóa mà còn phát triển với quy mô và chủng loại hàng hóa đa dạng hơn. Chúng dần lan tỏa ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị, có mặt ở khắp các con phố, góc hẻm.

Nhờ sự linh hoạt trong hình thức, các khu chợ tạm có khả năng xuất hiện nhanh chóng và dễ dàng di chuyển. Điều này giúp các khu chợ trở thành một phần quan trọng của các cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh gọn, không cần phải đi xa của tầng lớp lao động và những người có thu nhập trung bình, thấp, trở thành nét văn hóa đặc trưng của các khu đô thị và làng quê Việt Nam.

1.png
Nhiều vấn đề phát sinh trong các khu chợ cóc, chợ tạm

Mặc dù chợ cóc đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân đô thị, nhưng đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề trong đó, vấn đề lớn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì điều kiện cơ sở hạ tầng kém và thiếu quy trình kiểm tra chất lượng, các mặt hàng thực phẩm tại chợ cóc và chợ tạm thường không được bảo đảm vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng.

Những ảnh hưởng của chợ cóc, chợ tạm

Trước tiên là ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan đô thị.

Vì chợ cóc, chợ tạm thường nằm ven đường hoặc các ngõ nhỏ, dễ gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong các khu dân cư đông đúc, khi chợ cóc lấn chiếm vỉa hè và lòng đường, gây khó khăn cho người đi lại.

Mặc dù có vai trò quan trọng, chợ cóc và chợ tạm thường không được quản lý chặt chẽ, dẫn đến nhiều vấn đề về vệ sinh, an ninh và trật tự.

Chính quyền địa phương thường gặp khó khăn trong việc quy hoạch và kiểm soát các khu chợ này. Việc quản lý không đồng bộ cũng tạo ra những mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế và vấn đề phát triển đô thị bền vững.

Chợ cóc, chợ tạm còn cạnh tranh với các hệ thống bán lẻ hiện đại.

Với tốc độ đô thị hóa dẫn đầu cả nước, những năm gần đây Hà Nội chứng kiến hàng trăm khu đô thị mới được hình thành, phát triển. Có một thực tế là, các khu đô thị được hình thành đến đâu, chợ cóc, chợ tạm “ăn theo” đến đó, gây mất an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị; mất an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Một điều đáng lo ngại nhất tại các khu chợ tạm, chợ cóc là do không chịu sự quản lý của các lực lượng chức năng.

Đa phần người bán từ các nơi khác trở về nên giá cả không ổn định, hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa việc người mua người bán chen chúc nhau còn tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.

cho-tan-my(1).jpg
Xuất hiện ngay ven đường giao thông, chợ cóc, chợ tạm thu hút khách tiêu dùng do tiện đường và có thể thỏa thuận giá cả. Ảnh chợ tạm Tân Mỹ, phường Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm (Hà Nội)

Lý giải việc hay mua thực phẩm tại chợ cóc, chị Nguyễn Thị Doan ở Tân Mỹ, Mỹ Đình I, chia sẻ: “Do đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở những chợ cóc, chợ tạm. Việc vào chợ truyền thống sẽ mất nhiều thời gian còn về độ an toàn của thực phẩm tôi thấy không khác nhiều so với đồ trong chợ hay ở siêu thị. Hơn nữa, tôi chủ yếu mua hàng của người quen nên khá yên tâm”.

Còn đối với các hộ dân sống tại các khu chợ tạm, chợ cóc mặc dù tạo nhiều thuận tiện trong việc mua bán song họ cũng luôn ngán ngẩm bởi tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Bác Oanh, một người dân sống gần chợ Khâm Thiên cho biết: “Vào những giờ cao điểm, tiếng mời chào khách xen lẫn tiếng mặc cả, đặc biệt là còi xe làm cả khu chợ trở lên rất ồn ào gây ảnh hưởng nhiều tới các gia đình sống gần chợ. Điều khó chịu nhất là mùi tanh, hôi của những chỗ bán cá, bán gà bốc lên rất khó chịu”.

screenshot-2024-12-08-212712.png
Chợ cóc khiến ngõ Thổ Quan nhếch nhác bởi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, rác thải vứt bừa bãi, ô nhiễm...

Ghi nhận thêm tại khu chợ cóc ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, điều đặc biệt là ngôi chợ này nằm cách trụ sở UBND phường Thổ Quan khoảng 100m và cách Công an quận và công an phường sở tại vào khoảng 500m nhưng chợ vẫn họp rất nhộn nhịp.

Cách đó không xa, chợ cóc Khâm Thiên có chiều dài lên tới gần 1 km luôn tấp nập buôn bán cả ngày. Vào những giờ cao điểm, nhất là buổi chiều tối, con đường nơi họp chợ luôn chật cứng người và xe cộ. Người mua, kẻ bán chen chúc nhau, nhiều người dừng, đỗ xe máy bất cứ chỗ nào hay xếp hàng hai, hàng tư trên đường để ngồi chọn mua hàng.

ff.png
Các khu chợ cóc, chợ tạm luôn tấp nập buôn bán cả ngày

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là con đường nơi họp chợ vốn dĩ đã rất chật hẹp nhưng các hộ buôn bán tại đây tùy tiện căng bạt, che ô, bày hàng hóa la liệt xuống lòng đường.

Đáng chú ý, những điểm chợ cóc, chợ tạm này hiện đang ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, tràn ra cả lòng đường, buôn bán từ rau xanh, thịt cá, gia cầm… khó kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu chợ cóc, chợ tạm khiến người dân như tôi rất đáng lo ngại. Việc tụ họp chợ cóc hằng ngày gây ách tắc giao thông, nhất là vào buổi sáng hoặc giờ tan tầm" - bà Điền, SN 1963, sống tại ngõ chợ Khâm Thiên chia sẻ.

Tương tự, chị Trần Minh Trang (sinh sống tại ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm trong ngõ thường kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt. Nhiều người dân thay vì vào trong chợ truyền thống mua bán thì giờ họ có thể dừng ngay tại vỉa hè để mua bó rau, cân thịt cho thuận tiện.

cho-5t.jpg
Nước thải từ các hoạt động sơ chế thực phẩm tươi sống vừa gây mất mỹ quan đô thị vừa ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường sống của người dân trong khu vực

Theo chị Trang, những điểm chợ cóc, chợ tạm mọc lên trên địa bàn quận ngày càng nhiều, đi đến đâu cũng thấy người dân họp chợ trên vỉa hè, lòng đường.

Trong bối cảnh đô thị hóa phát triển kéo theo sự xuất hiện của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích với hệ thống quản lý và quy hoạch chuyên nghiệp ngày càng mở rộng thì chợ cóc rơi vào tình trạng “chui” hoặc bị xem là phi chính thức. Tuy nhiên, do có nhiều ưu điểm như giá rẻ và tiện lợi nên chợ cóc vẫn có sức cạnh tranh nhờ vào khả năng thích ứng linh hoạt với nhu cầu của cộng đồng và giá cả phải chăng. Phải chăng chính vì ưu điểm này mà chợ cóc vẫn tồn tại?

Vì sao chợ cóc vẫn tồn tại?

Thông báo mới nhất (ngày 01/11/2024) của UBND TP Hà Nội về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị giao ban công tác quản lý chợ và kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án đầu tư chợ trên địa bàn thành phố có chỉ đạo như sau:

Về tụ điểm kinh doanh tự phát, trái phép: Giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại thông báo số 103/TB-VP ngày 19/02/2024; nghiên cứu các giải pháp (về quy hoạch, địa điểm, việc đầu tư xây dựng, cải tạo chợ, tuyên truyền vận động trong hệ thống chính trị cơ sở kết hợp thực hiện các chế tài xử phạt) để thực hiện dứt điểm việc xóa chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Điều đó cho thấy những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt với việc dẹp chợ cóc, chợ tạm nhưng đến nay trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại hàng trăm chợ tạm, chợ cóc hoạt động. Điều đáng lo ngại là loại hình chợ này ngày càng có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở nhiều nơi. Nguyên nhân do đâu?

Lý do thứ nhất khiến chợ cóc vẫn tồn tại cho đến ngày nay là bởi nó đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Do đặc điểm thường nằm ngay trong khu vực dân cư hoặc ven đường, nên loại hình chợ này dễ tiếp cận, giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Với cuộc sống bận rộn hiện nay, người dân dễ dàng ghé qua chợ cóc, chợ tạm để mua nhanh các loại thực phẩm như rau, thịt, cá, hay các món ăn vặt mà không cần phải vào siêu thị hoặc trung tâm thương mại.

Thứ hai là về giá cả.

So với các cửa hàng lớn, giá cả tại chợ cóc và chợ tạm thường thấp hơn vì người bán không phải trả phí mặt bằng hoặc các chi phí vận hành nên giá cả ở chợ cóc, chợ tạm rất phải chăng, phù hợp với người có thu nhập thấp hoặc trung bình, giúp họ dễ dàng tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng cơ bản. Chợ cóc và chợ tạm thường cung cấp hàng hóa với giá cả linh hoạt và có thể thương lượng, điều mà siêu thị hay trung tâm thương mại khó có được.

cho-coc-5t.jpg
Những thuận tiện về giá cả, đi lại khiến nhiều khách tiêu dùng vẫn chọn mua hàng ở chợ cóc, chợ tạm

Chợ cóc, chợ tạm còn là nơi tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người, từ người bán hàng đến người vận chuyển hàng hóa.

Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, đặc biệt là người lao động tự do, những người không có công việc ổn định. Sự tồn tại của chợ cóc giúp người dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc thành phố lớn, có cơ hội kiếm sống và tự chủ trong công việc.

Hơn nữa, chợ cóc và chợ tạm là nơi diễn ra các hoạt động xã hội nên không gian của nó mang tính gắn kết cộng đồng.

Người bán và người mua thường có sự giao lưu, hỏi thăm, tạo nên bầu không khí gần gũi, ấm áp. Không chỉ là nơi mua bán, đây còn là nơi người dân gặp gỡ, chia sẻ câu chuyện hàng ngày, từ đó gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Chợ cóc và chợ tạm có lợi thế trong việc cung cấp các sản phẩm nông sản tươi sống từ địa phương hoặc các mặt hàng đặc sản mà người bán trực tiếp mang đến.

Đặc biệt là ở các khu vực thành thị, nơi người dân có nhu cầu mua thực phẩm tươi sống và chưa qua chế biến, chợ cóc và chợ tạm đáp ứng tốt hơn so với các siêu thị, vốn phải tuân thủ quy trình bảo quản và cung ứng phức tạp hơn.

Một nguyên nhân nữa chính là nhiều khu đô thị lớn xuất hiện song lại không có chợ nên phát sinh chợ tạm, chợ cóc.

Và với sự linh hoạt, dễ di chuyển và chủ yếu tập trung ở các ngõ nhỏ, vỉa hè hay khu dân cư nhưng vì đáp ứng nhu cầu mua bán nhanh gọn, thuận tiện và giá cả hợp lý, hàng hóa đều là những sản phẩm thiết yếu như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, đồ gia dụng và các vật dụng hàng ngày cho một bộ phận dân cư nên có thể nói chợ cóc, chợ tạm vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm về giá cả, tiện lợi để chợ cóc, chợ tạm tồn tại thì các vấn đề như: vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, đến sự phức tạp trong quản lý đã ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan, và trật tự đô thị là những thách thức đau đầu cơ quan chức năng.

Khái niệm về “chợ tạm, chợ cóc”, Khoản 8,9 Điều 3 Nghị định 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 05/06/2024 về quản lý và phát triển chợ, giải thích như sau:
8. Chợ tạm là chợ đã được xây dựng trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; khu vực được chính quyền địa phương bố trí kinh doanh tạm thời.
9. Điểm kinh doanh tự phát là điểm, khu vực kinh doanh tự phát không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ của địa phương.

Cũng tại Nghị định này, theo Điều 4, dù chợ tạm được xếp hạng hai (từ 200 đến dưới 400 điểm kinh doanh) hay chợ hạng ba (dưới 200 điểm kinh doanh), thì mặt bằng phạm vi chợ phải phù hợp với quy mô hoạt động của chợ và tổ chức các hoạt động tối thiểu như trông giữ xe, vệ sinh công cộng.

Còn chợ cóc, có thể hiểu là điểm kinh doanh tự phát, khu vực kinh doanh tự phát không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ của địa phương.

Lam Trinh