Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:00, 14/12/2024

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí,...là một trong những nội dung trong Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành.

Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 96 của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa có văn bản công bố Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội thống nhất đánh giá, sau hai ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.

14-qh.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2025

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan báo chí; thực hiện có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2025, hình thành, kết nối mạng lưới chuyển đổi số báo chí. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hoá” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp. Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.

Nâng cao năng lực của cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và giám sát thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số. Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí. Tăng cường đấu tranh, đàm phán, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng...

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Đối với lĩnh vực y tế, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia khác, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ. Xây dựng kế hoạch dự trữ một số loại thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để hỗ trợ các cơ sở y tế trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng “tại chỗ” của các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động, tiếp nhận sự hỗ trợ, ủng hộ về y tế của các tổ chức, cộng đồng quốc tế trong ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Thành lập thành phố Hoa Lư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2025

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1318/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Thành lập thành phố Hoa Lư trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 103,49 km2, quy mô dân số là 83.613 người của huyện Hoa Lư và toàn bộ diện tích tự nhiên là 46,75 km2, quy mô dân số là 154.596 người của thành phố Ninh Bình. Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên là 150,24 km2 và quy mô dân số là 238.209 người.

Đồng thời thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hoa Lư; sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô, huyện Kim Sơn. Giải thể, thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện của tỉnh Ninh Bình.

Các Nghị quyết được đăng tải toàn văn trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tại địa chỉ: http://quochoi.vn

Mai Hạ