Khánh Hòa: Lũ đổ về thành phố Nha Trang trong đêm, nhiều vùng trũng thấp ngập nặng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:00, 16/12/2024
Khánh Hòa: Lũ đổ về thành phố Nha Trang trong đêm, nhiều vùng trũng thấp ngập nặng
Tối 15/12, do mưa lớn trong thời gian dài, cùng với việc các hồ chứa xả điều tiết xả lũ đã làm ngập lụt nhiều nơi ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, nước từ sông Cái ở khu vực thành phố Nha Trang dâng cao, gây ngập từ khoảng 16 giờ chiều 15/12. Đến 20 giờ cùng ngày, mực nước đạt đỉnh và có dấu hiệu chững lại.
Trước đó, từ chiều 15/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa có công văn gửi các đơn vị quản lý hồ chứa nước tại Khánh Hòa theo dõi tình hình mưa lũ, tính toán lưu lượng nước về các hồ do đơn vị quản lý để điều tiết cho phù hợp, hạn chế điều tiết với lưu lượng lớn vào ban đêm, nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế gây ngập lụt ở vùng hạ du. Các địa phương, đơn vị chủ động phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi; mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa; ngập lụt vùng hạ lưu, ven sông, khu đô thị thuộc khu vực hạ lưu sông Cái Nha Trang... Đối với người dân ven sông Cái, thành phố Nha Trang đã chủ động dọn dẹp, đảm bảo an toàn tính mạng người và tài sản từ sớm, đảm bảo thấp nhất thiệt hại về tài sản và người.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, tính đến 20 giờ ngày 15/12 do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa lớn, một số nơi đạt 100 -200mm. Mực nước các sông Cái (Nha Trang ) trên báo động II, sông Dinh (Ninh Hòa) trên báo động I. Các hồ chứa toàn tỉnh trên 68% dung tích, một số hồ tiến hành xả điều tiết nước.
Về thiệt hại ban đầu, có 1 nhà ở Cam Ranh bị tốc mái, diện tích khoảng 110m2. Tại huyện Khánh Vĩnh, ngoài sạt lở một số vị trí Km42, Km54, Km59 của tuyến Quốc lộ 27C gây ách tắc tắc giao thông và khiến hơn 250 người bị mắc kẹt, giao thông bị tê liệt, còn sạt 100m đường bê tông tại xã Khánh Thượng.
Đối với các vị trí sạt lở tại Quốc lộ 27C, UBND huyện Khánh Vĩnh đã phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ III khẩn trương điều máy móc, thiết bị, nhân lực hót dọn đất đá sạt lở; lắp đặt các biển cảnh báo, rào chắn cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực sạt lở nêu trên; tiếp cận và cung cấp nước uống và lương thực cho người dân tại khu vực bị chia cắt. Hiện nay đã khắc phục và thông tuyến được km42và tiếp tục khắc phục và thông tuyến các đoạn còn lại. Tại Km 59, đã xử lý xong sạt lở, các phương tiện và hơn 200 người đang mắc kẹt đã quay lại Đà Lạt.
Còn ở vị trí sạt lở Km 43, phía tỉnh Khánh Hòa đã tiếp cận và hỗ trợ 55 người dân di chuyển về cơ quan quân sự huyện Khánh Vĩnh, trong đó có một số người tự túc di chuyển về thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh trong đêm.
Cơ quan chuyên môn đề nghị người dân, ngành chức năng đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa; ngập lụt vùng hạ lưu ven sông, khu đô thị trên lưu vực sông Cái Nha Trang.
Ngập lụt gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường, gây ra nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái và đời sống con người. Nước lũ làm tràn ngập các khu vực đất nông nghiệp, phá hủy mùa màng, làm mất đất canh tác và giảm chất lượng đất. Hơn nữa, ngập lụt còn khiến các chất độc hại, rác thải và hóa chất từ các khu công nghiệp, khu dân cư bị cuốn trôi, làm ô nhiễm nguồn nước, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Môi trường sống của nhiều loài động thực vật cũng bị xáo trộn, dẫn đến mất đa dạng sinh học. Sự gia tăng tần suất ngập lụt do biến đổi khí hậu còn làm gia tăng tình trạng sạt lở đất và xói mòn, ảnh hưởng lâu dài đến sự ổn định của hệ sinh thái.