Tây Nguyên: Hơn 1,1 triệu ha đất nông nghiệp đã bị thoái hóa nặng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:00, 16/11/2020
Đất bị thoái hóa được hiểu là đất bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu (theo chiều hướng xấu) do sự tác động của các yếu tố tự nhiên và con người. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và xếp đất thoái hóa vùng Tây Nguyên theo 4 mức độ: Không và thoái hóa nhẹ có diện tích là 1,84 triệu ha (chiếm 33,7%); thoái hóa trung bình có 2,5 triệu ha (chiếm 45,8%); thoái hóa nặng 1,123 triệu ha (chiếm 20,5%).
Hệ lụy của thoái hóa đất là làm suy giảm độ phì nhiêu của đất được thể hiện qua các chỉ tiêu như đất bí chặt, chua mạnh, khả năng giữa ẩm, giữ dinh dưỡng kém; hiệu quả sử dụng phân bón thấp; hệ vi sinh vật đất chủ yếu là vi sinh vật gây hại; sâu bệnh hại từ đất phát triển nhanh và mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp do năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành sản xuất cao dẫn đến nguy cơ đi ngược lại mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai của vùng.
Đất trồng cà phê bị thoái hóa – Trồng tái canh, cây cà phê sinh trưởng kém. Ảnh: Trương Hồng
Chuyên canh cây trồng
Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu… của Việt Nam chiếm tỷ lệ tương ứng là 88% và 63%. Điều này cũng thể hiện tình trạng độc canh rõ nét trong canh tác hiện nay. Diện tích cà phê, hồ tiêu tăng nhanh không kiểm soát được vào các giai đoạn giá cả tăng cao, người dân ồ ạt phát triển diện tích ngay trên cả các loại đất, địa hình không phù hợp, làm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Cho dù đất mới khai phá để trồng trọt ban đầu có độ phì nhiêu màu mỡ song sau một thời gian canh tác độc canh sẽ dẫn đến đất bị thoái hóa theo con đường bạc màu hóa (đất chua, mất chất hữu cơ, mất kết cấu đất, suy giảm chất dinh dưỡng), làm cho sức khỏe của đất bị giảm sút; sức sản xuất kém, năng suất cây trồng thấp và bấp bênh.
Các nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy rằng, trong vòng 30 năm, đất canh tác độc canh cà phê đã bị chua hóa nhanh; bình quân pH đất đã giảm từ 0,5 – 1,2 đơn vị; hàm lượng các cation kiềm thổ giảm 40 – 70%; dung tích hấp thu của đất (CEC) giảm 30 – 40%; đã xuất hiện tầng tích sét ở độ sâu 30 – 40 cm; hàm lượng hữu cơ giảm 20 – 40%; đất bí chặt, thoát nước kém dẫn đến gia tăng cường độ xói mòn đất trên bề mặt sau các cơn mưa trên đất dốc.
Quá trình chua hóa, giảm hàm lượng hữu cơ, các cation kiềm thổ xảy ra với tốc độ nhanh, rõ hơn trên đất canh tác cà phê có độ dốc từ 7 – 15%; trồng trần (không có cây che bóng). Ở các vùng trồng sắn với địa hình dốc (thường là trên 8%), việc canh tác không đi đôi với biện pháp chống xói mòn và rửa trôi đất của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nông dân nghèo đã làm cho đất bị suy thoái nhanh chóng, mất sức sản xuất. Trên các diện tích này sau 2 – 3 năm canh tác sắn, hàm lượng hữu cơ đã suy giảm 40 – 60%; đất bí chặt, trơ sỏi đá, năng suất giảm tới 50 – 70% so với đất mới khai phá ban đầu.
Sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá mức
Đây là nguyên nhân gây thoái hóa đất phổ biến ở vùng Tây Nguyên hiện nay. Do tác dụng của phân hóa học nhanh, hiệu lực tức thì nên nông dân sản xuất nông nghiệp quan tâm đầu tiên đến việc sử dụng phân hóa học để mong đạt được năng suất, thu nhập cao. Có tới 60% nông dân trồng cà phê và 45% nông dân trồng tiêu sử dụng phân bón là không hợp lý, mất cân đối và 70% nông dân bón phân hóa học với liều cao hơn nhiều so với khuyến cáo và so với năng suất đạt được. Lượng phân đạm được nông dân bón cho cây thường rất cao, có khi cao hơn 300% so với khuyến cáo; tiếp đến là lượng lân cao hơn từ 50 – 200%; kali đa phần bón thấp hơn so với khuyến cáo; đặc biệt khi giá nông sản cà phê, hồ tiêu cao thì có đến 90 – 100% hộ nông dân bón phân hóa học cao hơn với mong muốn đạt được năng suất và thu nhập tối đa. Tỷ lệ hộ nông dân quan tâm đến phân hữu cơ còn thấp, chỉ khoảng 40%.
Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng việc sử dụng phân hóa học với lượng cao nhiều năm liên tục đã làm cho tốc độ chua hóa của đất nhanh hơn; chất hữu cơ bị suy giảm nhanh hơn; CEC giảm nhanh hơn; hệ vi sinh vật có hại trong đất phát triển nhanh hơn và do vậy chất lượng đất bị suy giảm cũng nhanh hơn. Bằng chứng cho thấy rằng trên các diện tích trồng cà phê, hồ tiêu bón phân hóa học với liều cao nhiều năm sau đó trồng tái canh thì sinh trưởng, phát triển của cây chậm hơn và tỷ lệ cây bị còi cọc, bị chết cũng cao hơn so với diện tích sử dụng phân hóa học hợp lý, cân đối.
Theo quy luật tự nhiên, khi trồng trọt chuyên canh và càng thâm canh cùng với tác động của biến đổi khí hậu thì ngày càng xuất hiện nhiều loại dịch hại trên đồng ruộng. Để bảo vệ thành quả lao động, người nông dân đã sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học với số lượng, chủng loại ngày càng gia tăng; phun với nồng độ và cả liều lượng, tần suất cao hơn so với khuyến cáo; đặc biệt vào các thời điểm giá nông sản cao. Điều này dẫn đến sự nghèo kiệt về tính đa dạng sinh học; mất cân bằng về thiên địch; cân bằng hệ vi sinh vật trong đất bị phá vỡ; hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng; từ đó đất đai bị ô nhiễm, suy thoái, mất sức sản xuất.
Ngoài ra, xét về khía cạnh sinh thái thì bón phân hóa học với liều cao nhiều năm liên tục, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Rừng bị chặt phá lấy đất canh tác
Nạn chặt phá rừng
Tình trạng chặt phá rừng để lấy đất canh tác, dễ dàng nhận thấy ở những vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, có khi dọc các trục đường giao thông chính; đặc biệt là các thời điểm giá cả của sản phẩm một số loại cây trồng ở mức cao, điển hình là cà phê vào những năm 1990; hồ tiêu vào những năm 2014 – 2016. Rừng bị chặt phá làm cho đất không còn lớp phủ thực vật bảo vệ hoặc có thì độ che phủ kém nên đất nhanh chóng bị mất đi độ màu mỡ, các chất hữu cơ bị đốt cháy, đất bị xói mòn, bạc màu dần. Tốc độ thoái hóa của đất tỷ lệ với mức độ che phủ, lượng mưa và độ dốc của đất. Hàng năm Tây Nguyên bị mất đi một lượng đất vào khoảng 167 triệu tấn, trung bình một ha đất tự nhiên mất gần 29,7 tấn/năm. Lượng đất mất kéo theo một lượng đáng kể chất dinh dưỡng bị mất; cùng với lượng đất mất do xói mòn sẽ bồi lắng sông suối và các công trình thủy lợi, thủy điện làm ảnh hưởng đến an toàn hồ đập trong mùa mưa. Do đất rừng chủ yếu là đất dốc, trong quá trình canh tác không quan tâm đến các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi đất vào mùa mưa, giữ ẩm cho mùa khô hay thậm chí không quan tâm bón phân hữu cơ cho đất. Điều này dẫn đến tình trạng sau khoảng vài năm canh tác đất bị suy kiệt về dinh dưỡng, mất kết cấu, các cation kiềm, kiềm thổ bị mất theo lượng đất trôi hàng năm; chất lượng đất giảm; tầng canh tác mỏng dần dẫn đến mất khả năng sản xuất và có một số diện tích bỏ hoang trở nên hoang mạc hóa.
Ngoài ra, phá rừng đã góp phần làm gia tăng tốc độ tác hại của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất dày hơn (nắng hạn, mưa, lũ…) cũng góp phần làm gia tăng tốc độ suy thoái đất đai nông nghiệp ở Tây Nguyên.
Minh Trang (T/h)