Hà Nội: Nâng cao quản lý trong sản xuất, sử dụng hóa chất công nghiệp

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:30, 19/12/2024

Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp quy mô, điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất.
Bảo vệ môi trường

Hà Nội: Nâng cao quản lý trong sản xuất, sử dụng hóa chất công nghiệp

Hoàng Thơ 18/12/2024 16:00

Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp quy mô, điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” năm 2025.

Kế hoạch nhằm phát huy vai trò của Nhà nước trong công tác định hướng, hỗ trợ tạo điều kiện, quản lý thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất đúng quy định pháp luật. Từng bước xây dựng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn trong hoạt động hóa chất, giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động hóa chất của của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn hóa chất cho người quản lý, người lao động tại các cơ sở hoạt động hóa chất, thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp quy mô, điều kiện sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất.

img_4802.jpg
Ảnh minh họa

Cập nhật xu hướng mới trong quản lý hóa chất cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về hóa chất; khai thác thông tin quản lý hóa chất từ Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia (chemicaldata.gov.vn); quản lý hóa chất dựa trên đánh giá rủi ro; nhận diện hóa chất cần phải kiểm soát.

Đồng thời rà soát, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động hóa chất, phục vụ công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hóa chất; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất.

Thành phố cũng tập trung nâng cao năng lực ứng phó sự cố hóa chất quy mô lớn; chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý hoạt động hóa chất, nhất là các tỉnh, thành phố được các doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn thành phố thuê kho, gửi giữ hóa chất trong quá trình sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Để làm tốt nhiệm vụ này, UBDN thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp của các tổ chức, cá nhân.

Thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc bảo đảm điều kiện, an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra hàng hóa là hóa chất lưu thông trên thị trường về nhãn mác, xuất xứ, điều kiện kinh doanh, vận chuyển hóa chất…

Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các tổ hợp sản xuất hóa chất, trung tâm logistic về hóa chất và triển khai xây dựng, thành lập cụm công nghiệp hóa dược theo quy mô tập trung trong không gian phát triển của Thành phố.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn thành phố trong quá trình hoạt động hóa chất phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định nhà nước về an toàn hóa chất; duy trì thường xuyên các điều kiện bảo đảm an toàn hóa chất trong suốt quá trình hoạt động. Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ lao động, lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp có đủ kiến thức chuyên môn về hoạt động hóa chất theo quy định của pháp luật về hóa chất.

Định kỳ thực hiện huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho người quản lý, người vận chuyển, người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất của đơn vị. Thường xuyên cập nhập thông tin về an toàn hóa chất; thực hiện tốt các quy định về công tác an toàn hóa chất.

Sự cố hóa chất có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

Ô nhiễm nước: Khi hóa chất bị rò rỉ vào các nguồn nước (sông, hồ, ao, hoặc hệ thống cấp nước), chúng có thể làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng nước, gây chết hoặc làm suy giảm sinh vật thủy sinh và làm hỏng hệ sinh thái nước.

Ô nhiễm không khí: Một số hóa chất độc hại khi phát tán vào không khí có thể tạo ra khí độc, gây nguy hại cho sức khỏe con người và động vật. Chúng có thể dẫn đến ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và góp phần vào biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm đất: Hóa chất rò rỉ hoặc đổ vào đất có thể làm thay đổi cấu trúc và chất lượng đất, làm giảm độ màu mỡ, gây hại cho thực vật và ảnh hưởng đến chuỗi dinh dưỡng của các sinh vật sống trong đất.

Tác động lâu dài đối với hệ sinh thái: Một số hóa chất có thể tích tụ trong môi trường, gây ra những tác động lâu dài đối với động thực vật và hệ sinh thái. Ví dụ, một số hóa chất có khả năng tích tụ trong cơ thể sinh vật qua nhiều thế hệ, gây ra hiện tượng ô nhiễm sinh học và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các loài động vật và con người.

Hiệu ứng dioxin: Một số hóa chất như dioxin có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và gây ra các bệnh lý nghiêm trọng cho con người, động vật, cũng như làm suy giảm sức khỏe hệ sinh thái.

Việc phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt trong các khu vực có nguy cơ cao, là rất quan trọng để giảm thiểu các tác động này và bảo vệ môi trường.

Hoàng Thơ