Đà Nẵng và Bình Định quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:30, 19/12/2024
Đà Nẵng và Bình Định quyết liệt phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Đà Nẵng và Bình Định đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống nhằm bảo vệ sức khỏe vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán.
Đà Nẵng quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và Cúm gia cầm
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành văn bản về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và Cúm gia cầm.
Theo đó, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Cụ thể, UBND các quận, huyện tăng cường vận động tổ chức, cá nhân ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, hoàn thành trước ngày 1/1/2025. UBND huyện Hòa Vang thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi và Cúm gia cầm, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả. Quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, yêu cầu người chăn nuôi thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, tổ chức triển khai tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; hướng dẫn, tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các khu vực có mật độ chăn nuôi cao, chợ buôn bán gia cầm sống và sản phẩm gia súc, gia cầm, khu vực tiêu hủy, chôn lấp động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ và hướng dẫn các cơ sở này thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ và xung quanh cũng như phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào các cơ sở giết mổ.
Sở Y tế tăng cường phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm mầm bệnh lây lan giữa người và động vật, chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với động vật có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan. Cùng đó, khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống các bệnh nguy hiểm lây lan từ động vật sang người.
Bình Định tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Trong thời gian qua, tại Bình Định, tình hình dịch bệnh cơ bản tiếp tục được khống chế. Tuy nhiên, các loại mầm bệnh nguy hiểm vẫn còn tồn tại trong môi trường; thêm vào đó, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến thất thường gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi, dễ phát sinh các loại dịch bệnh; nguy cơ tái phát dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo sự chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của các cấp Bộ, ngành. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn do chủ quản, lơ là, thiếu chỉ đạo kịp thời.
Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật; chú trọng công tác quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, kiểm soát tái đàn vật nuôi tại những vùng nguy cơ cao, vùng có ổ dịch cũ, vùng chăn nuôi trọng điểm; tập trung trong đợt trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Phấn đấu duy trì khống chế dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra hoạt động giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và giết mổ tập trung. Kiểm tra, phúc kiểm tại các chốt kiểm dịch động vật và kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm dịch tại gốc và hoạt động nhập gia súc, gia cầm giống chăn nuôi vào địa bàn.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các cơ quan truyền thông và các địa phương, tuyên truyền về mối nguy hại của bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học; hợp tác với chính quyền địa phương và cơ quan thú y trong phát hiện, khai báo kịp thời dịch bệnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai công tác giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi thuộc địa bàn. Thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, điểm giết mổ.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các cấp xã có chăn nuôi giao trách nhiệm cho Nhân viên thú y cấp xã và Trưởng thôn theo dõi, giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, tái đàn và thực hiện khai báo chăn nuôi, duy trì tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm cho các đối tượng vật nuôi chưa được tiêm phòng, nhất là Cúm gia cầm. Phát hiện và báo cáo nhanh dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Dịch bệnh trên gia súc và gia cầm không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường:
Ô nhiễm môi trường từ xác động vật và chất thải
Khi dịch bệnh bùng phát, số lượng lớn gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc chết đòi hỏi việc tiêu hủy kịp thời. Nếu không được xử lý đúng cách, xác động vật và chất thải có thể phân hủy, thải ra môi trường các chất độc hại, vi khuẩn, virus, gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Gia tăng mầm bệnh trong môi trường
Dịch bệnh trên động vật có thể dẫn đến sự gia tăng mầm bệnh trong môi trường. Các vi khuẩn, virus từ động vật bệnh có thể tồn tại trong đất, nước và không khí, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác hoặc thậm chí lây nhiễm sang con người. Việc kiểm soát và tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi các biện pháp vệ sinh và phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt.
Tăng cường ô nhiễm do sử dụng hóa chất
Để kiểm soát dịch bệnh, người chăn nuôi thường sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất khử trùng. Việc sử dụng không đúng cách hoặc quá mức các chất này có thể dẫn đến tồn dư hóa chất trong môi trường, gây ô nhiễm đất và nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.