Ngành TN&MT hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo và bứt phá
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:00, 30/12/2020
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay: Trong bối cảnh năm 2020 là một năm có nhiều biến động, nhiều sự kiện lớn, ngành tài nguyên và môi trường đã phát huy tinh thần “kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân”, chủ động, sáng tạo để hóa giải các thách thức, chủ động chuẩn bị các nền tảng để tăng tốc bứt phá, tạo ra những dấu ấn quản lý rõ nét, thực chất trên các lĩnh vực. Nhờ đó, toàn ngành không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 mà còn về đích hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016-2021.
Trong đó, nhiều điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên đã được ngành tham mưu để Đảng, Quốc hội và Chính phủ xem xét tháo gỡ, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược dài hạn đã được ngành xây dựng, trình ban hành, góp phần giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên cho phát triển mới của đất nước. Nổi bật là Luật Bảo vệ môi trường 2020 với tư duy, cách tiếp cận đột phá cho công tác bảo vệ môi trường.
Mặt khác, các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được tập trung hoàn thiện. Toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với cùng kỳ năm 2019). Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Các nguồn tài nguyên được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường đã cơ bản được khắc phục. Việc cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đẩy mạnh với trên 300 khu vực khoáng sản được đấu giá thành công, qua đó, đưa tổng thu ngân sách từ khoáng sản lên hơn 23.000 tỷ đồng cho ngân sách 5 năm qua.
Đặc biệt năm 2020, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn, nguồn thu từ đất đai vẫn đạt 133% kế hoạch, khoáng sản đạt 112% kế hoạch đóng góp cho ngân sách. Thu ngân sách từ tài nguyên và môi trường trong 11 tháng năm 2020 đạt 21,30% nguồn thu nội địa; thu từ đất trong 5 năm qua đạt gần 850.000 tỷ đồng; phát huy được lợi thế của biển và các vùng ven biển trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được trong 5 năm qua (2016-2020), đặc biệt là năm 2020. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia để trình Quốc hội thông qua; tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường;
Tập trung rà soát, xử lý tình trạng dự án chậm triển khai, tiếp tục đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những thửa đất cần cấp; tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, xây dựng chiến lược quốc gia về an ninh nguồn nước, quy hoạch nước quốc gia; trong lĩnh vực khoáng sản, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép;
Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, điều tra tài nguyên môi trường biển, xây dựng cơ sở dữ liệu, số liệu về biển đảo, góp phần đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế biển, khu công nghiệp ven biển; nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu ven biển;
Xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong thu hút các dự án đầu tư, tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; kiểm soát các nguồn thải lớn, phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, nhất là ô nhiễm không khí, nguồn nước…
Minh Hoàng