[Góc nhìn tuần qua]: Báo động đỏ trước tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 21/12/2024
[Góc nhìn tuần qua]: Báo động đỏ trước tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội
Theo dự báo, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc còn kéo dài ít nhất đến cuối tuần với mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ. Tình trạng ô nhiễm không khí chỉ được cải thiện khi miền Bắc đón đợt không khí lạnh mới vào khoảng đầu tuần sau.
Liên tiếp nhiều ngày qua, ô nhiễm không khí ở một số tỉnh miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội với chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức “báo động đỏ”. Điều này khiến nhiều người lo ngại các chất độc hại, ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, cũng như sức khỏe của người dân Thủ đô. Ô nhiễm không khí có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường một bầu không khí mờ đục. Còn với những người nhạy cảm và người cao tuổi, sẽ dễ cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với không khí đầy bụi bẩn.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội có tính chất theo mùa. Vào giai giai đoạn mùa đông, tình trạng này lại càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Vào mùa đông, Hà Nội thường xuất hiện các yếu tố thời tiết bất lợi khiến chất lượng không khí xấu đi như: sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn sinh ra nghịch nhiệt. Nghịch nhiệt, tức lớp không khí ấm nằm trên lớp không khí lạnh gần mặt đất làm hình thành lớp mù khiến bụi mịn không khuếch tán lên cao được mà lơ lửng ở tầng thấp. Và nghịch nhiệt lại xảy ra khá thường xuyên khi có các đợt không khí lạnh xuống.
Theo các chuyên gia, mỗi người dân cần chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân trong giai đoạn ô nhiễm không khí sẽ thường xuyên xảy ra như hiện nay.
Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu AQI ở mức 201 - 300, đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Theo Ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô, nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10. Từ thực tế trên, ngày 2/3/2024, UBND Thành phố phê duyệt Quyết định số 1142/QĐ- UBND về việc ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Kế hoạch hướng tới các mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ hoạt động giao thông, công nghiệp, đốt mở, dân sinh...; thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng; huy động các nguồn lực và sự tham gia để thực hiện các giải pháp ngắn và dài hạn. Thành phố sẽ tập trung vào giảm phát thải từ giao thông - một nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí.
Để bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến chất lượng không khí. Đối với Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thành phố cần ưu tiên bố trí, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường; quan trắc thường xuyên, liên tục, định kỳ, tăng tần suất trong các thời điểm giao mùa. Từ đó, cung cấp các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống cho cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo xu thế, diễn biến chất lượng không khí cùng dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ.