Thời tiết khắc nghiệt tiếp tục khiến Nhật Bản “chao đảo”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:00, 23/12/2024
Thời tiết khắc nghiệt tiếp tục khiến Nhật Bản “chao đảo”
Với những thiệt hại nghiêm trọng cả về người và của, mùa đông, mặc dù đến chậm hơn mọi năm, nhưng đã bắt đầu mang những khó khăn, hệ lụy cho nhiều địa phương của Nhật Bản.
Theo Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản, mùa đông năm nay đến chậm, nhưng khắc nghiệt hơn những năm trước, với nhiệt độ và độ ẩm xuống thấp chưa từng có, cùng lượng tuyết dày kỷ lục kèm theo bão tuyết và cuồng phong nguy hiểm. Cơ quan này đã phải đưa ra cảnh báo về những hiện tượng thời tiết cực đoan nêu trên, đặc biệt là tại các khu vực phía bắc và đông bắc Nhật Bản.
Trên thực tế, sự khắc nghiệt này của mùa đông đã bắt đầu mang lại những thiệt hại cả về người và của cho Nhật Bản. Liên tục trong những ngày vừa qua, tại nhiều địa phương, đã xảy ra hàng loạt các vụ cháy nổ khiến hàng chục người thương vong, mà một trong những nguyên nhân chính là do thời tiết quá hanh khô.
Bên cạnh đó, ngành vận tải hành khách và hàng hóa cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do lượng tuyết quá dày gây ra. Nhiều công ty vận tải của Nhật Bản phải hủy bỏ các chuyến xe đến khu vực phía bắc để đảm bảo an toàn, khi lượng tuyết vượt qua mức cho phép. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế -xã hội của Nhật Bản. Mặt khác, tuyết dày cũng khiến nhiều doanh nghiệp bắt đầu chịu lỗ khi lượng tiêu thụ nhiên liệu của các phương tiện tăng quá cao.
Trong khi đó, Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản dự báo, trong những ngày tới tuyết dày kỷ lục kèm theo bão tuyết và cuồng phong nguy hiểm sẽ tiếp tục xảy ra. Cụ thể, tại các tỉnh Hokkaido, Niigata, Nagano... lượng tuyết có thể lên tới 70-110cm. Chính quyền các địa phương cũng đã lên tiếng cảnh báo cư dân chú ý đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản trong hoàn cảnh thời tiết cực đoan kéo dài.
Việc tuyết phủ dày có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ sinh thái, làm gián đoạn chu kỳ sống của nhiều loài động thực vật. Nhiệt độ thấp kéo dài do tuyết che phủ khiến đất trở nên cứng, hạn chế sự phát triển của cây cối và ảnh hưởng đến việc cung cấp thức ăn cho động vật. Hơn nữa, tuyết dày còn gây tắc nghẽn các dòng chảy sông suối, làm giảm khả năng ngấm nước vào lòng đất, dẫn đến tình trạng thiếu nước vào mùa xuân. Ngoài ra, việc tuyết tan nhanh chóng cũng có thể gây ra lũ quét và ngập úng, làm tổn hại đến đất đai và các hệ sinh thái.