Bình Thuận: Canh giữ hơn 1.000 cây lim xanh
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 03:32, 21/12/2020
Từ làng Rai, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, người đi đường dễ dàng trông thấy quần thể lim mọc sừng sững xanh rì quanh năm trên dãy đồi sau làng, trải dài lên núi Rai Vơ về hướng Tây Nam.
Tháng cuối năm là lúc Trạm quản lý và bảo vệ rừng Đèo Nam (quản lý khu vực Mỹ Thạnh) bận rộn nhất, bởi tình hình phá rừng thường diễn biến phức tạp. Rừng lim cổ thụ là một trong những tâm điểm mà các nhóm lâm tặc để mắt tới, thế nên hoạt động tuần tra, bảo vệ được tăng cường dày hơn.
Anh Hoàng Hải Nam (đi đầu) cùng hai đồng nghiệp và hộ nhận khoán đi kiểm tra, bảo vệ khu rừng lim xanh Mỹ Thạnh, hôm 9/12. Ảnh: Việt Quốc
Đầu tháng 12, ba nhân viên của Trạm cùng đại diện hộ nhận khoán bảo vệ rừng của xã đi kiểm tra theo kế hoạch. Tổ kiểm tra do anh Hoàng Hải Nam, 37 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng dẫn đầu. Mọi người đi bộ theo đường rẫy cũ lên triền đồi thuộc tiểu khu 257, sau mười phút đã tiếp cận những gốc lim to lớn. Chúng vẫn còn nguyên vẹn.
Gần chục cây lim cao vút 25-30 m, mọc thẳng đứng ngay sát bìa rừng. Thân cây già có vỏ xù xì, hoành lớn đến mức ba người ôm không hết. Đường kính thân mỗi cây 1,6-2 m. Men theo triền, tổ kiểm tra tiếp tục di chuyển về hướng núi Rai Vơ, cứ khoảng trăm mét lại gặp thêm nhiều cây lim to lớn nằm thành cụm 5-10 cây, mỗi cây cách nhau chừng 20 m.
Mỗi cây lim có tán phủ rộng, giành hết không gian đón nắng bên trên, nên xung quanh ít có những cây gỗ lớn khác, chỉ dây leo và những cây nhỏ tồn tại. Trên một số gốc lim già xuất hiện những vành nấm màu nâu đỏ đang nảy ra, được gọi là nấm lim xanh. Anh Nam cho hay khi nấm lớn bằng bàn tay, bà con trong làng hái về bán cho nhà thuốc đông y.
“Nấm lim là lâm sản phụ được phép lấy về, tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số, qua đó họ cũng có ý thức giữ rừng hơn”, anh Nam nói.
Trong quá trình đi tuần, các nhân viên bảo vệ rừng còn mang theo máy định vị và thước dây để đo kích thước và đánh dấu tọa độ những cây lim có kích thước đồ sộ. Hiện, cây lim to nhất trong khu rừng này được nhân viên trạm ghi nhận nằm trên đỉnh núi Rai Vơ, đường kính chừng 2 m, thân cao hơn 32 m.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm quản lý – bảo vệ rừng Đèo Nam cho biết, hiện chưa có một công trình nghiên cứu tổng thể về quần thể lim quý hiếm ở Mỹ Thạnh, nhưng qua quá trình đi tuần, nhân viên trạm đã thống kê được hơn 1.000 cây. Chúng mọc theo các triền đồi và núi ở độ cao 300-700 m so với mực nước biển. Mỗi cây có trữ lượng gỗ 8-10 m3.
Đây là rừng lim quý còn tồn tại với số lượng lớn. Chúng thuộc loài lim xanh có tên khoa học là Erythrophleum fordii, nhóm gỗ IIA, nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam. Do đó, giới buôn gỗ lậu rất “thèm khát” cánh rừng này. Mỗi tuần đơn vị phải kiểm tra hai lần, chưa kể tuần tra đột xuất theo tin báo bất thường. “Nhờ theo dõi chặt, ngăn ngay từ đầu những người lạ mặt xâm nhập rừng, nên chưa xảy ra các vụ đụng độ nghiêm trọng giữa hai bên”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, ngoài lực lượng chuyên ngành, công tác bảo vệ rừng lim còn có sự chung tay rất lớn của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Mỗi lần có người lạ đột nhập vào các khu rừng quanh xã, nhất là rừng lim này, bà con trong làng đều báo tin cho lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết, toàn xã có 254 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, đa phần là đồng bào dân tộc Rai (Raglai) sinh sống lâu đời. Rừng lim đã hiện hữu từ xa xưa, qua hàng trăm năm, gắn liền với lịch sử hình thành cộng đồng dân cư bản địa, nên người dân Mỹ Thạnh luôn có ý thức giữ gìn rừng thiêng của ông bà tổ tiên.
“Ở đây chỉ có một con đường độc đạo về xuôi, nên bất kỳ người lạ nào vào làng hay vào rừng với dấu hiệu bất thường, bà con đều phối hợp theo dõi, ngăn chặn”, ông Quảng cho hay.
Một khoảnh rừng lim xanh ở gần làng Rai, xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam). Ảnh: Việt Quốc.
Đến nay, được bảo vệ an toàn, nhưng trong tương lai vẫn đang tiềm ẩn các mối đe dọa đối với rừng lim này vì giá trị của nó quá lớn. Do đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét đã đưa hoạt động bảo vệ rừng lim xanh xã Mỹ Thạnh vào diện đặc biệt.
Trong đề án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030, bên cạnh việc tuần tra kiểm soát như lâu nay, cơ quan này còn đề xuất phương án điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu số, phục vụ công tác bảo tồn khối tài sản quý giá này của quốc giá.
“Tới đây, chúng tôi sẽ điều tra tỉ mỉ, lập bản đồ định vị kèm thông số của từng cây để bảo vệ tuyệt đối”, Trưởng ban Phạm Văn Chiến cho biết.
Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét hiện quản lý hơn 20.000 ha rừng trên địa bàn 4 xã miền núi: Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Tân Lập. Cùng lim xanh, trong rừng còn có nhiều loại cây gỗ quý khác như: trắc, cẩm lai, giáng hương, sao đen, chiêu liêu, gõ mật, gõ đỏ… Riêng quần thể lim xanh do Trạm Đèo Nam trực tiếp bảo vệ.
Theo VnE