Nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính giảm kỷ lục trong năm 2020

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:30, 12/12/2020

Moitruong.net.vn – Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, việc phong tỏa, giãn cách trong Covid-19 đã làm giảm lượng khí thải CO2 nhưng bức tranh tổng thể vẫn còn ảm đạm một cách đáng lo ngại.

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 trong năm 2020 đã giảm 7%, mức kỷ lục. Trong báo cáo thường niên được công bố ngày 11/12, “Dự án Carbon toàn cầu” đánh giá góp phần làm giảm lượng khí thải CO2 là việc nhiều nước trên thế giới áp đặt lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Carbon dioxide tồn tại trong khí quyển hàng thế kỷ và trong đại dương thậm chí lâu hơn. Lần cuối cùng Trái đất có nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3-5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3 °C và mực nước biển là 10-20 m, cao hơn bây giờ. Nhưng trái đất lúc đó không có 7,7 tỷ dân”.

Như các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ, nhiều CO2 trong khí quyển đồng nghĩa với nhiệt độ tăng lên, băng tan, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, và các đại dương bị axit hóa và gây hại với sinh vật biển.

Mức giảm khoảng 2,4 tỷ tấn CO2 của năm nay lớn hơn nhiều so với các mức giảm kỷ lục được ghi nhận trước đó, như mức 0,9 tỷ tấn hồi cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, hay mức 0,5 tỷ tấn vào năm 2009, giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ảnh minh họa

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thu thập dữ liệu thống kê cho báo cáo trên cho biết trong năm 2020, lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp ước tính tương đương 34 tỷ tấn CO2, vẫn là một phần đáng kể trong “ngân sách carbon” tồn tại trên Trái Đất.

Mức giảm phát thải rõ rệt nhất được ghi nhận tại Mỹ – với 12%, tiếp đó là Liên minh châu Âu (EU)- với 11%. Tuy nhiên, theo đánh giá của dự án trên, lượng khí thải tại Trung Quốc có thể chỉ giảm 1,7% trong năm 2020 do Bắc Kinh nỗ lực phục hồi kinh tế.

Tính theo lĩnh vực, phát thải từ giao thông vận tải giảm nhiều nhất, với lượng khí thải từ các loại ôtô giảm khoảng một nửa vào lúc đỉnh điểm của làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua.

Đến tháng 12, lượng khí phát thải từ các loại phương tiện giao thông vận tải đường bộ đã giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và khí phát thải từ hàng không đã giảm 40%.

Khí phát thải từ các ngành công nghiệp – chiếm 22% tổng lượng khí thải toàn cầu – đã giảm 30% ở một số quốc gia áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất.

Theo nghiên cứu, tốc độ tăng phát thải khí CO2 trên toàn cầu đã bắt đầu giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để đánh giá lượng khí thải sẽ tăng trở lại nhanh đến mức nào trong năm 2021 và những năm sau đó.

Xu hướng phát thải trong dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của các nước.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được ký kết năm 2015, để hạn chế nhiệt độ tăng ở mức dưới 2 độ C, trong thập kỷ này thế giới cần cắt giảm lượng khí thải từ 1 đến 2 tỷ tấn mỗi năm.

Tổ chức Khí tượng học thế giới thuộc Liên Hợp Quốc cho biết, nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển hiện đang ở những mức cao nhất trong 3 triệu năm qua. Khi khí thải CO2 tăng, nhiệt độ toàn cầu cũng tăng theo.

Giới khoa học cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu tăng vượt mức 1,5 độ C hoặc 2 độ C sẽ dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu với những tác động khắc nghiệp hơn nhiều trên toàn thế giới, bao gồm các đợt hạn hán, các cơn bão mạnh hơn và nước biển dâng nhanh hơn.

Ngọc Linh 

Ngọc Linh