[Góc nhìn tuần qua]: Báo động tình trạng tai nạn do “pháo tự chế”
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:08, 28/12/2024
Gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là hoạt động kinh doanh pháo lậu, chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo nổ trái phép. Đặc biệt là tình trạng thanh thiếu niên, học sinh mua nguyên vật liệu và học cách chế tạo trên mạng xã hội rồi tự chế pháo nổ để sử dụng trái phép, gây ra hậu quả khôn lường. Trong những tuần gần đây, các bệnh viện lớn tại TP Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh bị tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ tự chế. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các em tự mua thuốc pháo và học cách chế pháo thông qua các hướng dẫn trên mạng.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ trong vòng một tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 7 trường hợp bệnh nhân bị đa chấn thương nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ tự chế. Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình từ 12 đến 16 tuổi. Tai nạn do pháo nổ thường để lại những tổn thương sâu trên da, kèm theo tình trạng cháy xém toàn thân và các vùng tiếp xúc gần với vụ nổ thường bị dập nát nghiêm trọng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trong 2 tuần gần đây đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ tự chế. Điển hình là trường hợp một bé trai 12 tuổi ngụ tại Bình Phước, đã sử dụng bột từ hộp quẹt diêm, cho vào vòi ruột xe và đập gây nổ. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phẫu thuật xử lý vết thương dập nát mô cái và nhiều vết thương khác ở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.
Theo các chuyên gia, KCL03 và bột nhôm khi trộn chúng với nhau sẽ tạo ra một hỗn hợp chất nổ cực mạnh. Tuy nhiên, việc mua bán những nguyên liệu này lại không hề khó khăn. Chỉ với từ khóa pháo nổ tự chế, dễ dàng tìm thấy hàng trăm clip hướng dẫn cách chế tạo pháo từ A đến Z trên các trang mạng xã hội. Mua nguyên liệu ở đâu, pha trộn như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu để pháo nổ to nhất đều được hướng dẫn một cách tỉ mỉ và trực quan.
Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện hoặc tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất và sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức quy định: hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt nghiêm khắc với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Còn hành vi mua bán các nguyên liệu dễ gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hoặc hướng dẫn chế tạo pháo nổ sẽ bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng, theo quy định tại điểm i, khoản 4, Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Ngoài ra, tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép các loại pháo nổ, theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự. Đây là những biện pháp nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây nguy hiểm đến an toàn xã hội và tính mạng của người dân.
Thời gian vừa qua lực lượng chức năng, cơ quan có thẩm quyền đã xử lý một số đối tượng, các trang web, các tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có việc hướng dẫn cách tự chế làm pháo nổ qua mạng xã hội, hành vi mua bán thuốc nổ, pháo nổ...
Song do lợi nhuận từ việc bán pháo nổ rất lớn nên bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán, sản xuất pháo nổ trái phép vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Để qua mắt cơ quan chức năng, các đối tượng rao bán hóa chất chế tạo pháo nổ thường đặt dưới những tên gọi trá hình như là: bán bột than mịn bón cho cây trồng, bán phân bón, thuốc tím sát khuẩn, tẩy quần áo. Còn dây cháy chậm thì được rao bán dưới cái tên: dây dù uốn cây, dây dẫn nhiệt chậm,….
Mặc dù báo chí và các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo nhưng nhiều vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ vẫn xảy ra, nhiều nạn nhân đang còn ở lứa tuổi học sinh. Những tai nạn này không chỉ gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất mà còn để lại hậu quả nặng nề về tâm lý và tài chính cho người bệnh và gia đình.
Để phòng ngừa những vụ việc phức tạp xảy ra, mỗi gia đình và nhà trường cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em của mình, không liên hệ qua mạng xã hội để mua bán hoá chất, vật liệu về chế tạo, sử dụng các loại pháo nổ.