Hải Dương quyết đóng cửa các bãi chôn lấp rác tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:30, 30/12/2024

Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm lượng rác thải ra môi trường, nhiều bãi chôn lấp rác ở Hải Dương nay đã được đóng cửa.
Bảo vệ môi trường

Hải Dương quyết đóng cửa các bãi chôn lấp rác tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Thanh Thanh 30/12/2024 11:30

Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm lượng rác thải ra môi trường, nhiều bãi chôn lấp rác ở Hải Dương nay đã được đóng cửa.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh hiện có 606 bãi chôn lấp (giảm 9 bãi so với năm 2023 do 9 bãi này của TP.Chí Linh được quy hoạch, chưa xây dựng) với tổng khối lượng chất thải đã chôn lấp khoảng 2,6 triệu tấn. Có 384 bãi chôn lấp đang hoạt động, 222 bãi đã dừng hoạt động. Đối với các bãi chôn lấp đang hoạt động hiện có 78 bãi tỷ lệ lấp đầy dưới 50%, 177 bãi có tỷ lệ lấp đầy từ 50-70% còn khả năng tiếp nhận rác thải, còn lại 129 bãi tỷ lệ lấp đầy trên 70%.

Toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.297 tấn chất thải rắn/ngày đêm. Khoảng 675 tấn (chiếm 52%) vẫn đang được chôn lấp tại các bãi rác. Điều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, tốn kém trong xử lý, thậm chí là việc đốt rác diễn ra ở nhiều bãi chôn lấp khiến người dân rất bức xúc.

Ông Dương Văn Xuyên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để xử lý đúng cách, tiến tới đóng cửa hoàn toàn các bãi chôn lấp rác thải tập trung là việc làm rất khó khăn, đòi hỏi sự tham gia của các cấp từ tỉnh xuống cơ sở. Thực tế ở đâu chính quyền quan tâm, người dân đồng lòng thì việc này diễn ra thuận lợi hơn.

capture(1).png
Hải Dương quyết đóng cửa các bãi chôn lấp rác tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Huyện Thanh Hà là một trong số các địa phương tại Hải Dương đã đóng cửa được gần hết số bãi chôn lấp rác tập trung. Huyện này có 15/20 xã (trước sáp nhập) được thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng (nay là xã Cẩm Việt). Dự kiến thời gian tới, 5 xã còn lại (nay còn 4 xã do sáp nhập) được thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt về nhà máy xử lý.

Toàn huyện có 31 bãi chôn lấp rác thải thì 23 bãi đã dừng hoạt động, được san tản mặt bằng, trồng cây, có bãi được cải tạo thành điểm tập kết rác (để đưa về nhà máy xử lý). Các bãi còn lại đang trong quy trình đóng cửa. Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác tại huyện Thanh Hà đã đạt khoảng 96%, đạt mục tiêu đến năm 2025 thu gom trên 90% lượng rác thải phát sinh. Lượng rác thải sinh hoạt phải thu gom của huyện giảm còn 58,7 tấn/ngày.

Tại địa bàn huyện Bình Giang, ước tính phát sinh khoảng 70 tấn rác thải rắn sinh hoạt/ngày đêm với thành phần đa dạng. Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày không được phân loại đã trở thành áp lực lớn đối với công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện. Trước khi sáp nhập, huyện này có 8 xã, thị trấn được hỗ trợ kinh phí vận chuyển và xử lý tại nhà máy xử lý rác, 8 xã còn lại cơ bản vẫn thực hiện việc thu gom, xử lý chôn lấp tập trung, phát sinh rất nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến môi trường.

Việc hỗ trợ kinh phí xử lý cho 7 xã, 1 thị trấn thu gom và xử lý toàn bộ lượng rác chưa phân loại cũng gây áp lực lớn với ngân sách nhà nước, không có tính bền vững trong việc thực hiện. Từ những thực trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/HU ngày 19/3/2024 về thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện nhằm đẩy mạnh việc phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình một cách thiết thực và hiệu quả, tạo cho người dân thói quen, lâu dần trở thành tiềm thức về bảo vệ môi trường.

Trước khi thực hiện Nghị quyết số 21, hai xã Vĩnh Hồng và Hùng Thắng đều có tổng diện tích bãi rác phục vụ chôn lấp trên 10.000 m2. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 21, mỗi xã chỉ cần gần 1.000 m2 để xử lý rác cho toàn xã, giảm 90% so với diện tích ban đầu. Lượng rác thải phải xử lý giảm rõ rệt, hai xã trên đã đóng cửa được 4/8 bãi chôn lấp rác (mỗi xã đóng cửa được 2 bãi). Đặc biệt, sau khi đóng cửa, hai địa phương đã kêu gọi Công ty CP Đầu tư Trung Quý - Bắc Ninh (chủ đầu tư khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng) hỗ trợ khoảng 1,5 tỷ đồng, dòng họ Vũ Viết ở xã Tân Việt (Bình Giang) chung tay san lấp bãi rác cũ, thu hồi đất, xây dựng 4 bãi tập kết rác thải để đưa về nhà máy xử lý, tại đây cũng có các ô ủ rác hữu cơ.

Lượng rác thải hữu cơ được phân loại thu gom và xử lý bằng phương pháp ủ đã mang lại hiệu quả cao. Lượng rác thải vô cơ phát sinh được vận chuyển đi xử lý giảm nhiều. Ở xã Vĩnh Hồng, lượng rác vô cơ cần xử lý chỉ còn 1.554 kg/ngày, giảm gần 4.800 kg, tương đương kinh phí vận chuyển, xử lý là 987.000 đồng/ngày, giảm hơn 3 triệu đồng/ngày so với không phân loại (giảm khoảng 75%). Ở xã Hùng Thắng, sau khi phân loại, lượng rác thải vô cơ cần xử lý là 998 kg/ngày, giảm gần 2.600 kg, tương đương kinh phí vận chuyển, xử lý là 633.000 đồng/ngày, giảm hơn 1,6 triệu đồng/ngày so với không phân loại (giảm khoảng 72%).

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan lập phương án đóng cửa, xử lý các bãi chôn lấp đã dừng hoạt động trên địa bàn quản lý. Trong đó, tập trung lập dự án xử lý ngay các bãi chôn lấp nằm trong quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, đường giao thông và các công trình xây dựng khác.

Đồng thời, hướng dẫn UBND cấp xã hoặc chủ đầu tư (hoặc cơ sở quản lý) bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt thực hiện đóng cửa bãi chôn lấp theo hướng dẫn tại điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.

Các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn. Nếu đạt được mục tiêu 100% số hộ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thì lượng rác vô cơ phải xử lý sẽ còn rất ít. Khi đó, các bãi chôn lấp rác tập trung sẽ không cần phải tồn tại, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng giảm đáng kể.

Thanh Thanh