Sóc Trăng: Đẩy mạnh quan trắc môi trường để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:30, 30/12/2024
Sóc Trăng: Đẩy mạnh quan trắc môi trường để kiểm soát nguồn gây ô nhiễm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, trong công tác quan trắc môi trường được tỉnh thực hiện hằng năm, qua đó đã cung cấp kịp thời cho các ngành, địa phương trong tỉnh về diễn biến chất lượng các thành phần môi trường; kịp thời đề ra những biện pháp hạn chế, khắc phục khi phát hiện ô nhiễm.
Để xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sóc Trăng tiên tiến và từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã phê duyệt dự án Đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 - 2018.
Theo Quyết định số 957/QĐ-UBND, ngày 20/4/2018 và điều chỉnh Dự án tại Quyết định số 3042/QĐ-UBND, ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh, đến nay, dự án đã hoàn thành việc đầu tư 5 trạm quan trắc môi trường tự động, gồm: 1 trạm quan trắc không khí tại thành phố Sóc Trăng và 4 trạm quan trắc nước mặt tại ngã ba sông Đinh, Đại Ngãi, sông Mỹ Thanh, Cổ Cò.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải y tế, chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Các ngành, các cấp chú trọng triển khai thực hiện các dự án đầu tư xử lý nước thải và ban hành các quyết định, đề án xử lý ô nhiễm chất thải y tế; lập và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn.
Đến nay, tỉnh đã đầu tư 1 nhà máy xử lý rác thải tập trung công suất xử lý khoảng 160 tấn rác thải sinh hoạt/ca (320 tấn rác thải/ngày), với công nghệ xử lý là chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp ủ phân vi sinh và tái chế, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa; 36 bãi rác tập trung trên địa bàn 10 huyện, thị xã, qua đó giúp cho công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên toàn tỉnh cơ bản đảm bảo yêu cầu; đồng thời triển khai xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, ngày 15/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Cũng theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2020 - 2023, các cấp, các ngành phối hợp theo dõi, thanh tra, kiểm tra 346 cơ sở, thực hiện xử phạt 79 cơ sở, đã xử phạt số tiền trên 7,8 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại Khu Công nghiệp An Nghiệp, các dự án, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thường xuyên phát sinh ô nhiễm đã nâng cao nhận thức, buộc các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả thải ra môi trường; thường xuyên kiểm soát các phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, các cơ sở thu mua sơ chế phế liệu, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, các tranh chấp, khiếu nại do tình trạng ô nhiễm môi trường; nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo quy định…
Về nguồn lực tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường, tỉnh luôn chủ động bố trí ngân sách Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020 - 2024, tỉnh đã đầu tư trên 20 nhiệm vụ, dự án trong lĩnh vực môi trường với tổng vốn ngân sách trên 407,4 tỷ đồng. Mức chi này từng lúc có sự tăng - giảm nhưng cơ bản được giữ ổn định trên 1% tổng chi ngân sách hằng năm.
Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh được chi đảm bảo theo hướng dẫn, cụ thể: chi hoạt động sự nghiệp môi trường của tỉnh, huyện; chi hỗ trợ có mục tiêu về ngân sách các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nhìn chung, kinh phí sự nghiệp môi trường trong những năm qua được chi đảm bảo theo hướng dẫn của Trung ương, đáp ứng kịp thời các yêu cầu về bảo vệ môi trường của tỉnh. Bước đầu mang lại một số kết quả cụ thể và thiết thực như: tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được cải thiện, ý thức người dân về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao; công tác ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm được cải thiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, ngành Tài nguyên và Môi trường luôn quan tâm đến việc khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường và điều kiện sống của người dân, hạn chế tác động do ô nhiễm môi trường đến sức khỏe của người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước tình trạng xả thải từ các cơ sở sản xuất, các bãi rác gây ô nhiễm nguồn nước, phát tán mùi hôi, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của các hộ dân trong khu vực, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành và địa phương phối hợp, tích cực thực hiện các giải pháp để xử lý ô nhiễm.
Thực hiện Quyết định số 166/QĐ-TTg, ngày 21/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, để hạn chế ô nhiễm môi trường do hoạt động hỏa táng, hạn chế tác hại của chất thải nhựa, túi nylon khó phân hủy, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo một cách cụ thể.
Mặc khác, nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn, hằng năm theo đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh đã bổ sung có mục tiêu về ngân sách cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện môi trường và điều kiện sống của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Vừa qua, để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phát triển nguồn năng lượng sạch, tăng cường bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất nhằm giảm phát thải khí nhà kính, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phát triển các dự án điện gió, kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy đốt rác phát điện, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tiêu thụ cacbon... để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.