10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2024
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 10:30, 31/12/2024
10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2024
Năm 2024 chứng kiến nhiều vấn đề môi trường nổi bật. Tòa soạn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống điểm lại 10 sự kiện tiêu biểu đáng chú ý.
- COP29 - Sự kiện then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11-24/11/2024, đã kết thúc với việc các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển "xanh hóa" nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu. Sự kiện này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định là đã đánh dấu “kỷ nguyên mới về hợp tác và tài chính khí hậu”.
2. Siêu bão Yagi (bão số 3)
Ngày 7/9, siêu bão YAGI đổ bộ đất liền nước ta, gây ra thảm họa kinh hoàng ở miền Bắc. Lần đầu tiên trong lịch sử khí tượng, Quảng Ninh ghi nhận gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 trên đất liền, lũ lịch sử đã xuất hiện trong nhiều dòng sông, ngập lụt diện rộng ở 21/25 tỉnh/thành miền Bắc. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc gây nên những hậu quả vô cùng thương tâm. Tính đến ngày 28/9, bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính trên 81.000 tỷ đồng. Đây là một trong những thảm họa bão lũ kinh hoàng nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất từng ghi nhận ở nước ta, cho thấy thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt.
Ngay sau bão, cả nước đã chung tay hỗ trợ các địa phương và người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Sau 3 tháng tái thiết, sáng 22/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên; thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc và thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Đây là những địa phương ở Lào Cai gánh chịu thảm họa lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng sau bão Yagi, làm 85 người thiệt mạng và mất tích. Lễ khánh thành được tổ chức trực tiếp tại khu tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ ở huyện Bảo Yên và trực tuyến tới các khu tái thiết ở thôn Nậm Tông, thôn Kho Vàng huyện Bắc Hà.
3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon
Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW ngày 04/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Kết luận yêu cầu các cấp, các ngành nhận diện xu hướng phát triển mới; thực hiện hiệu quả các định hướng, chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, tổng thể về quản lý, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường trong tầm nhìn dài hạn, theo xu hướng đầu tư, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp, tuần hoàn; chuyển đổi năng lượng công bằng, sử dụng năng lượng sạch và tái tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa các-bon.
Đặc biệt, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là thách thức lớn và cũng là cơ hội để phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới.
4. Lần đầu tiên, người nông dân thu tiền từ canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Tháng 9/2024, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon vừa mua thành công gần 17 tấn giảm phát thải CO2e của người trồng lúa ở tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana - Đắk Lắk, với giá 20 USD/tấn.
Đây là số lượng giảm phát thải CO2e đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm “Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Mô hình này được triển khai trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Đây là mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), kết hợp sử dụng chế phẩm Nano composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.
Sau hơn ba tháng triển khai, mô hình này cho năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha. Không chỉ nâng cao năng suất so với mô hình canh tác kiểu cũ mà chi phí đầu tư cũng giảm được gần 2,9 triệu đồng. Trong đó chi phí về giống giảm được 675 nghìn đồng/ha, phân bón giảm được 785 nghìn đồng/ha, bảo vệ thực vật giảm được hơn 1,4 triệu đồng/ha. Theo đó, lợi nhuận ròng của mô hình đạt gần 94,8 triệu đồng, tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình canh tác lâu nay.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mô hình này còn giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa. Góp phần giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải ròng.
5. Quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề tại Bắc Ninh đã diễn ra hàng chục năm nay, đã để lại nhiều hệ lụy. Nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề và sinh hoạt của người dân. Nước thải, khí thải và rác thải không được xử lý đúng quy định đã gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất. Một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa ra là: Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường là nghề, đảm bảo phát triển bền vững. Chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm trình trạng này.
6. Luật Đất đai năm 2024 được thông qua và hiệu lực thi hành sớm, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai - động lực quan trọng cho đất nước phát triển
Luật Đất đai năm 2024 là một quyết sách thể hiện sự quyết tâm và mang tầm vóc của một “đòn bẩy chiến lược”, có nhiều nội dung chính sách mới mang tính đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.
7. Ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, tạo đà cho Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển
Lần đầu tiên, Quy hoạch không gian biển quốc gia được ban hành, là một sự kiện mang ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quản lý và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, cụ thể hóa các cam kết về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế biển xanh, bền vững và hiện đại.
Là một trong ba quy hoạch quốc gia quan trọng của Việt Nam, Quy hoạch không gian biển quốc gia mang tính khung, tổng thể, tích hợp, đa ngành, động và mở; bảo đảm thống nhất trên cơ sở tích hợp các quy hoạch có liên quan; huy động mọi nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế về biển.
8. Việt Nam chính thức có kịch bản nguồn nước các lưu vực sông để quản lý theo mùa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm ninh nguồn nước quốc gia
Kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình; lưu vực sông Cửu Long lần đầu tiên được xây dựng, công bố theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông; đánh giá hiện trạng nguồn nước, dự báo nhu cầu sử dụng nước, nhận định xu thế khí tượng thủy văn; là căn cứ để các chủ thể lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp, quyết định việc cập nhật Kịch bản nguồn nước trong trường hợp xảy ra những diễn biến bất thường…
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông được phân kỳ theo mùa đối với từng lưu vực sông và tiến đến quản trị, quản lý số hóa nguồn tài nguyên nước quốc gia.
9. Bùng nổ kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, phục vụ phát triển bền vững, chuyển đổi số của ngành
Năm 2024 ghi nhận sự bùng nổ gần 20,5 triệu giao dịch chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường của hơn 500 dịch vụ; chuyển đổi số, hoàn thành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về đất đai của 63/63 đơn vị tỉnh, thành phố với 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã với CSDL quốc gia về dân cư.
Lần đầu tiên thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư để cung cấp dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính về cư trú được triển khai tại Bình Dương, Đồng Nai và tiếp tục mở rộng trên toàn quốc; vận hành Trung tâm Dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long tích hợp 16 nhóm dữ liệu chuyên ngành đặc thù về đất đai, nền địa lý, quy hoạch, nước sạch và thuỷ lợi kết nối với gần 2.000 trạm quan trắc môi trường và các công cụ kỹ thuật khác.
10. Việt Nam tiếp tục phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm chưa từng có trên thế giới
Ngày 16/12, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã công bố báo cáo mới nhất liên quan tới điều tra loài tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Riêng tại Việt Nam phát hiện có 112 loài mới, quý hiếm. Mặc dù mới được các nhà khoa học phát hiện, nhưng những sinh vật này đã tồn tại hàng thiên niên kỷ trong các môi trường sống độc đáo của khu vực và được ví như “ký ức về sự sống trên hành tinh của chúng ta”. Đây không chỉ là tin vui với giới nghiên cứu, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên trước áp lực phát triển và biến đổi khí hậu. Hoạt động phát hiện các loài đặc hữu tại Đồng bằng sông Cửu Long chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng thiên nhiên Việt Nam còn ẩn chứa vô vàn bí ẩn, là kho báu khoa học chưa được khám phá hết. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học và thực hiện cam kết phát triển bền vững.