Tiền Giang thả gần nửa triệu con ong ký sinh ngăn sâu đầu đen hại các vườn dừa
Kinh tế môi trường - Ngày đăng : 19:00, 31/12/2024
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết, cơ quan này vừa phóng thích ong ký sinh ra các vườn dừa trên địa bàn để ngăn chặn sâu đầu đen tấn công.
Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp huyện Gò Công Tây sẽ phóng thích hơn 500.000 con ong ký sinh để tiêu diệt sâu đầu đen đang phá hoại các vườn dừa trên địa bàn.
Trước đó, trong 2 ngày, tại 5ha dừa của nông dân ở xã Thạnh Nhựt, xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây), ngành chức năng được thả 100.000 con ong ký sinh.
Cũng theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây, các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen ở các địa phương còn lại sẽ được phân bổ nguồn ong ký sinh để đảm bảo việc phòng trừ tiêu diệt sâu đầu đen.
Ngành nông nghiệp huyện Gò Công Tây khuyến cáo người dân nên đăng ký thả ong ký sinh để bảo vệ vườn dừa. Song song với đó, cần kiên trì áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen, như: phun xịt, tiêu hủy các tàu dừa nhiễm bệnh, đảm bảo cho năng suất ổn định.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây đề nghị người dân có vườn dừa đã áp dụng biện pháp quản lý sinh học thả ong ký sinh, không nên phun thuốc trừ sâu nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên để việc phòng trừ đạt hiệu quả cao và bền vững. Đồng thời thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện sâu hại dừa để xử lý kịp thời.
Được biết, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 22.000ha dừa với sản lượng trên 247.000 tấn quả. Diện tích dừa chuyên canh tập trung lớn nhất tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông.
Tại Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 80.000ha dừa trong đó có khoảng 600ha bị nhiễm sâu đầu đen. Thời gian qua nhờ áp dụng biện pháp thả ong ký sinh, một số diện tích dừa tại huyện Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú đã bắt đầu phục hồi với tỷ lệ khoảng 70%.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết, đến nay ngành chức năng đã thả hơn 200 triệu con ong ký sinh trên 600ha dừa bị sâu đầu đen gây hại.
Để diệt côn trùng hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre khuyến cáo người dân nên vệ sinh vườn, thu dọn, cắt tỉa và tiêu hủy các tàu lá bị sâu gây hại. Sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật từ hai tuần trở lên mới tiến hành thả ong ký sinh, từ thời điểm này nông dân cần ngừng phun thuốc để bảo vệ đàn ong.
Để bảo vệ hơn 80.000ha dừa trồng trên địa bàn toàn tỉnh, hiện ngành chức năng và người dân Bến Tre đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, tránh lây lan nhằm khôi phục vườn dừa nhanh chóng, đảm bảo năng suất, ổn định cuộc sống cho nông dân trồng dừa.
Phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” diễn ra ngày 13/12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa.
Dừa Việt Nam đang là mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu dừa đạt 900 triệu USD.
Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là ĐBSCL (175.000ha) và Duyên hải Nam Trung bộ. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm.