Long An: Nhiều mô hình thiết thực bảo vệ môi trường tại huyện Cần Đước

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:30, 01/01/2025

Huyện Cần Đước, Long An đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng và cải thiện chất lượng sống.
Bảo vệ môi trường

Long An: Nhiều mô hình thiết thực bảo vệ môi trường tại huyện Cần Đước

Hoàng Thơ 01/01/2025 15:30

Huyện Cần Đước, Long An đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng và cải thiện chất lượng sống.

Theo đó, trong thời gian qua, huyện Cần Đước đã nỗ lực trồng cây xanh, cây phân tán ở khu vực đô thị, đường phố, trường học... Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được thêm trồng hoa, cây xanh, tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường. Cùng với đó, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (05/6) và Tháng hành động Vì môi trường hàng năm, huyện đã triển khai sâu, rộng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về BVMT.

Năm 2024, huyện đã tổ chức trồng 20 cây giáng hương trên tuyến đường 19/5 qua địa bàn xã Mỹ Lệ, 300 cây xanh trên tuyến đường Bờ Mồi (xã Tân Lân - Phước Tuy); trồng và chăm sóc 100 cây được phân bổ trong dịp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới...

bien-rac.jpg
Nhiều mô hình thiết thực bảo vệ môi trường tại huyện Cần Đước

Cùng với việc phủ xanh vùng hạ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Đước cũng đã phối hợp UBMTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện triển khai, duy trì hiệu quả mô hình Tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp (thực hiện tại Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai xã Long Khê, duy trì và mở rộng phạm vi toàn huyện); phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện duy trì mô hình Phân loại rác tại nguồn tại các xã: Phước Vân, Tân Ân; phối hợp Huyện Đoàn thực hiện mô hình Biến rác thải nhựa thành cây xanh (địa điểm thực hiện tại các xã Phước Vân, Long Sơn)...

Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cần Đước Nguyễn Trung Kiên, qua khảo sát cho thấy, đa số các hộ đều thực hiện bảo đảm theo quy trình đã hướng dẫn, thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn. Rác thải nhựa có thể tái chế được thì người dân phân loại riêng để bán phế liệu, rác vô cơ được phân loại để xử lý hoặc xe lấy rác thu gom.

Đối với rác hữu cơ thì người dân cho vào thùng ủ và cho men vi sinh vào ủ nhằm hạn chế mùi và rút ngắn thời gian phân hủy theo đúng quy trình hướng dẫn thực hiện. Bước đầu thực hiện mô hình Phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình nhằm hạn chế tác nhân gây ô nhiễm môi trường mang lại hiệu quả thiết thực, tạo thói quen cho các hộ dân thực hiện phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình.

Nhiều hộ dân trước đây khi chưa được trang bị thùng ủ phân thì rác hữu cơ đều mang đi đốt hoặc đăng ký đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải nhưng từ khi được trang bị thùng ủ rác thì các hộ dân đã giảm được lượng rác thải ra môi trường do tận dụng được nguồn rác hữu cơ ủ thành phân bón cho cây trồng. Qua đó, tiết kiệm được một phần kinh phí mua phân bón cho cây, đặc biệt là hoa màu trồng trong vườn, bảo đảm có nguồn rau sạch cho gia đình sử dụng.

Có thể thấy, các mô hình, cách làm hay trong công tác BVMT thời gian qua góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho người dân trên địa bàn huyện về việc giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Qua đó, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, thân thiện với môi trường, xây dựng huyện Cần Đước trở thành vùng đất đáng sống.

Hoàng Thơ