Biến đổi khí hậu đẩy trái đất vào tình trạng khẩn cấp
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 02/01/2025
Biến đổi khí hậu đẩy trái đất vào tình trạng khẩn cấp
Năm 2024, biến đổi khí hậu đẩy trái đất vào tình trạng khẩn cấp: sóng nhiệt, lũ lụt, hạn hán ngày càng nghiêm trọng, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống và sinh kế toàn cầu.
Năm 2024 ghi nhận nhiều kỷ lục thời tiết đáng buồn, đây là năm có mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận, kỷ lục nhiệt độ tại nhiều nước bị phá vỡ, những cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm cũng xuất hiện.
Có thể thấy, đây là lời báo động cho việc hành tinh chúng ta đang đối mặt tình trạng biến đổi khí hậu ngày trầm trọng.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều cách khác nhau (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt… Những hiện tượng này ảnh hưởng đến những yếu tố mà chúng ta phụ thuộc và coi trọng như nguồn nước, năng lượng, giao thông, động vật hoang dã, nông nghiệp, hệ sinh thái và sức khỏe.
Trái đất "nghẹt thở"
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh đến hành tinh của chúng ta.
Nhìn vào dữ liệu được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 11/2024 cho thấy năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất được ghi nhận và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng 21 đến 24 cm kể từ năm 1880. Đến tháng 5/2024, những sông băng được theo dõi đã mất băng trong 36 năm liên tiếp. Trong hơn nửa thế kỷ qua, lượng tuyết phủ vào cuối mùa xuân cũng được ghi nhận đã giảm.
Bên cạnh đó, lượng khí CO2 trong không khí cao hơn 50% so với trước Cách mạng Công nghiệp. Tháng 5/2024, nồng độ CO2 trong khí quyển - đo từ Đài quan sát Mauna Loa của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - đạt mức cao kỷ lục 426,90 ppm. "Mức CO2 không chỉ cao nhất trong hàng triệu năm qua mà còn đang tăng nhanh hơn bao giờ hết", Ralph Keeling, giám đốc Chương trình CO2 Scripps, cho biết hồi tháng 5. Lượng carbon toàn cầu thải ra từ nhiên liệu hóa thạch cũng đạt mức cao kỷ lục mới.
Sự ấm lên gây ra những tác động thảm khốc với thời tiết trên khắp thế giới. Năm 2024 bắt đầu với một trong những sự kiện El Nino mạnh nhất từng ghi nhận. Điều đó dẫn đến một mùa bão dữ dội với cơn bão chết chóc nhất tấn công Mỹ trong nhiều thập kỷ. El Nino cũng gây ra một đợt hạn hán nghiêm trọng ở Amazon. Đợt hạn hán kéo dài này khiến rừng mưa trở nên dễ cháy hơn, dẫn đến mùa cháy rừng tồi tệ nhất suốt gần 20 năm.
Tại Tây Ban Nha, mưa lớn dẫn đến lũ quét khiến hơn 200 người thiệt mạng. Các nhà khoa học cho rằng sự kiện thời tiết khác thường này liên quan đến biến đổi khí hậu.
Năm 2024, giới khoa học cũng đưa ra một số dự đoán và cảnh báo về các thảm họa có thể xảy ra nếu không ngừng phát thải carbon vào khí quyển. Một nghiên cứu công bố hồi tháng 6 cho thấy các điểm giới hạn sinh thái - ví dụ như Dải băng Greenland sụp đổ hay rừng mưa Amazon biến thành trảng cỏ - có thể xảy ra chỉ trong 15 năm nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát.
Tháng 10/2024, các nhà khoa học viết thư ngỏ cảnh báo về nguy cơ một dòng hải lưu trọng yếu ở Đại Tây Dương sụp đổ. Trong đó, họ kêu gọi các nhà hoạch định chính sách giải quyết mối đe dọa từ sự suy yếu của dòng hải lưu AMOC. Đây là một "băng chuyền" đại dương khổng lồ vận chuyển nhiệt đến Bắc bán cầu. Sự sụp đổ của nó có thể khiến nhiệt độ trên khắp châu Âu giảm mạnh.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng con người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nước toàn cầu, một phần do biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên kém. "Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang đẩy chu kỳ nước toàn cầu ra khỏi trạng thái cân bằng. Lượng mưa, nguồn nước ngọt, không còn đáng tin cậy do tình trạng biến đổi khí hậu và thay đổi mục đích sử dụng đất mà con người gây ra, làm suy yếu nền tảng phát triển của con người và nền kinh tế toàn cầu", Johan Rockstrom, giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam, đồng chủ tịch của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước, cho biết.
Biến đổi khí hậu được dự đoán gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu được dự đoán gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và căng thẳng do nhiệt.
Hạn hán có thể làm ảnh hưởng sản xuất lương thực và sức khỏe con người. Lũ lụt có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại cho hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng... Các vấn đề sức khỏe con người do hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác làm tăng tỉ lệ tử vong, thay đổi nguồn cung cấp lương thực, hạn chế khả năng hoàn thành công việc của người lao động và cuối cùng là ảnh hưởng năng suất của nền kinh tế của chúng ta.
Sự tan chảy của băng tại các vùng cực và sông băng đã góp phần làm tăng mực nước biển. Điều này đe dọa các khu vực ven biển và đảo quốc, nơi mà hàng tỷ người đang sinh sống. Nhiều thành phố lớn trên thế giới, từ New York đến Tokyo, cũng đang đối mặt với nguy cơ bị ngập lụt.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng làm tăng tỉ lệ tử vong, thay đổi nguồn cung cấp lương thực, hạn chế khả năng hoàn thành công việc của người lao động và cuối cùng là ảnh hưởng năng suất của nền kinh tế của chúng ta.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan trong tháng 11, các nước phát triển đã đồng ý nâng mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm thành 300 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035, để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Đài CNN cho biết, nguồn tài chính khí hậu 300 tỉ USD này sẽ được huy động cả từ khối công lẫn tư nhân ở các nước giàu có để chuyển đến các quốc gia nghèo hơn, để giúp đối phó với thời tiết ngày càng khắc nghiệt và chuyển đổi nền kinh tế sang sử dụng năng lượng sạch.
Số tiền cam kết vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 1.300 tỉ USD/năm mà các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh là cần thiết để hỗ trợ ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng một số chuyên gia nhận định đây là bước khởi đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, những nhà hành động khí hậu cũng hy vọng rằng các nước giàu cần hành động nhiều hơn để giúp các giải quyết vấn đề khí hậu.