Lào Cai chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 18:00, 03/01/2025
Lào Cai chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô
UBND tỉnh Lào Cai vừa có Văn bản khẩn số 7602/UBND-NLN yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2024 - 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 20/12/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Chỉ đạo UBND cấp xã, các ngành chức năng liên quan thực hiện nghiêm các quy định quản lý về PCCCR; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát PCCCR tại các địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết theo phương châm “bốn tại chỗ” và “năm sẵn sàng”, chủ động triển khai khi có cháy rừng xảy ra.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, truyền thông địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về bảo vệ rừng, PCCCR; giám sát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong đốt dọn nương và sản xuất trong nông nghiệp. Khi cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V tuyệt đối không sử dụng lửa để xử lý thực bì, đốt dọn nương rẫy trong rừng và gần rừng.
Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ (khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V) các ngày trong tuần (kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ) tại các trụ sở, chốt/trạm, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, dễ cháy trong suốt mùa hanh khô.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị phương tiện, sẵn sàng cơ động phục vụ cho chữa cháy rừng.
Chủ trì tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCCR của UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo, thông tin cấp dự báo cháy rừng hàng ngày; khi dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng các cấp thường xuyên thông tin, cảnh báo để cán bộ, Nhân dân biết, chủ động phòng ngừa; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm thường xuyên bám, nắm địa bàn để tổ chức kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình PCCCR tại cơ sở; tổ chức lực lượng thường trực PCCCR trong suốt mùa khô hanh và trực 24/24 giờ (khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V) tại Văn phòng Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm cụm xã; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và sẵn sàng huy động tham gia ứng cứu cháy rừng trong trường hợp cấp thiết.
Phối hợp các lực lượng và chính quyền địa phương điều tra, làm rõ nguyên nhân, truy tìm đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý kịp thời, nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Các chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án PCCCR đã xây dựng; điều chỉnh, bổ sung phương án đảm bảo sát đúng với thực tế, có tính khả thi cao; đầu tư, tu sửa các công trình PCCCR, xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy rừng…; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt/trạm bảo vệ rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V; phát hiện sớm và kiểm soát chặt chẽ người ra, vào các khu rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm mùa khô; chủ động "bốn tại chỗ”, sẵn sàng tham gia chữa cháy kịp thời không để cháy lan, cháy lớn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR đến mọi người dân sống trong và gần rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; không để việc xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian cao điểm về cháy rừng.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo cháy rừng theo quy định. Khi có cháy rừng xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cháy rừng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và chất lượng không khí. Khi rừng bị thiêu rụi, không chỉ mất đi một phần lớn hệ sinh thái tự nhiên, mà còn làm giảm khả năng hấp thụ carbon của trái đất, góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Các cây cối và thực vật, vốn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí CO2, nay bị phá hủy hoàn toàn, dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái. Bên cạnh đó, cháy rừng cũng thải ra lượng lớn khói và bụi mịn vào không khí, làm ô nhiễm không khí nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phổi, hen suyễn. Chất lượng không khí giảm sút, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả động vật và con người trong khu vực bị cháy.