Yên Bái: Bứt phá kinh tế lâm nghiệp từ mô hình rừng gỗ lớn
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:30, 04/01/2025
Yên Bái: Bứt phá kinh tế lâm nghiệp từ mô hình rừng gỗ lớn
Yên Bái đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, hướng tới phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Là tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái hướng tới triết lý phát triển “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Yếu tố “xanh” được đưa lên trước hết là một sự khẳng định vấn đề phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị được ưu tiên hàng đầu.
Nỗ lực "xanh" hóa với rừng gỗ lớn
Yên Bái hiện có khoảng trên 434.646ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% - là địa phương nằm trong tốp đầu về độ che phủ rừng của toàn quốc. Hằng năm, toàn tỉnh trồng mới khoảng trên dưới 15.000ha rừng các loại với sản lượng gỗ khai thác trên dưới 8.000m3. Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, diện tích rừng trồng tăng nhanh hằng năm nhưng năng suất, chất lượng rừng còn thấp, thu nhập từ rừng mang lại chưa cao. Điều đó đặt ra phải có giải pháp để phát triển kinh tế lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao, phù hợp xu thế của thời đại.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu trồng mới 10.000ha rừng gỗ lớn, lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 500.000m3, hình thành vùng trồng rừng gỗ lớn trên 40.000ha, đưa tỷ lệ gỗ xẻ từ 30% hiện nay lên 60%... Đó được xác định là hướng đi mới giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: Tỉnh Yên Bái ưu tiên phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm bảo đảm cân đối, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; thay đổi từ tư duy truyền thống sang tư duy quản trị; phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, suy thoái rừng; định hướng rõ nét, quan điểm lãnh chỉ đạo xuyên suốt cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, sự đồng lòng chung sức đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển rừng.
Tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng
Phát triển rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng. Để nâng cao chất lượng gỗ, tỉnh Yên Bái tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Trong đó quy định cụ thể với keo lai có quy mô trồng tập trung và cam kết khai thác sau 10 năm tuổi.
Thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 16.390 cây giống như: vù hương, dổi, tếch cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bình và Mù Cang Chải tham gia xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ dân ở Yên Bái đã vượt khó để trồng rừng gỗ lớn với tư duy vì “lợi ích 10 năm”.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững để cấp Chứng chỉ rừng FSC nhằm hỗ trợ cho người trồng rừng có phương án kinh doanh hiệu quả hơn, mang lại thu nhập cao hơn, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp. Chứng chỉ FSC cho phép các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm gỗ và sản phẩm từ rừng tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tăng cường cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với sự phát triển của các rừng gỗ lớn, công nghiệp chế biến gỗ của Yên Bái cũng đang phát triển khá nhanh cả về số lượng, lẫn quy mô, công nghệ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 520 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất gỗ quy mô và chất lượng cao như Công ty cổ phần Junma Yên Bái; Công ty TNHH 1 thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông; Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000m3, ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: “Yên Bái sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm là tiền đề để lâm nghiệp phát triển và đưa Yên Bái trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền núi phía bắc vào năm 2025” .