Đà Nẵng: 10 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 22:29, 04/01/2025

Năm 2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 10% với chủ đề “Năm tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”.
Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: 10 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025

Thanh Thanh {Ngày xuất bản}

Năm 2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 10% với chủ đề “Năm tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”.

Quy mô kinh tế Đà Nẵng năm 2024 đạt hơn 151.300 tỷ đồng

Theo thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2024 do Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng công bố vừa qua, ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và tình hình trong nước còn nhiều diễn biến phức tạp, năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã tập trung tháo gỡ khó khăn, từng bước xử lý dứt điểm những bất cập tồn tại từ nhiều năm trước.

Với mục tiêu thực hiện thành công chủ đề năm 2024 là “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, thành phố Đà Nẵng đã mang lại những kết quả tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã tăng trưởng bứt phá; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước.

Báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho thấy, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố Đà Nẵng đã tăng 7,51%, cao hơn mức tăng 2,01% của năm 2023, xếp thứ 7/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 29/63 địa phương trên cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP. Quy mô nền kinh tế thành phố trong năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023.

screenshot-2025-01-04-221851.png
Quy mô kinh tế Đà Nẵng năm 2024 đạt hơn 151.300 tỷ đồng

Đáng chú ý, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều của thành phố ước đạt 3.273 triệu USD, tăng 9,1% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 1.911 triệu USD, tăng 2,9% so với năm 2023; nhập khẩu ước đạt 1.362 triệu USD, tăng 19,2%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu 549 triệu USD.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng phục hồi khả quan, thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy. Tính đến 25/12/2024, thu hút đầu tư trong nước của thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 73.348 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 25/12/2024, thành phố thu hút được 243,4 triệu USD vốn FDI mới và tăng thêm, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiếp đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Trước đó, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 ngày 10/12 dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã thống nhất chủ đề năm 2025 là: “Năm tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”. Đồng thời, thống nhất chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 phấn đấu đạt trên 10%.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã xác định rõ, năm 2025 là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết của HĐND thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời tập trung hoàn thành xuất sắc chủ đề của năm 2025 mà Hội nghị Thành ủy lần thứ 18 đã đề ra.

Theo đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung 10 giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Một là
, tiếp tục theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư quan trọngcủa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hai là
, về du lịch cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai 03 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố. Tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới… Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tăng cường tập huấn nâng cao tay nghề, chất lượng dịch vụ cho đội ngũ quản lý và phục vụ của đơn vị nhằm phục vụ du khách một cách tốt nhất.

Ba là,
tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, điện tử và linh kiện điện tử...

Bốn là,
hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến xuất khẩu ra nước ngoài; đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra. Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các phương tiện và bến, cảng có quy mô lớn, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất, nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố.

Năm là,
kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, phù hợp với diễn biến, nhu cầu của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các chi nhánh TCTD phát triển tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng...; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán,...) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sáu là,
tiếp tục thực hiện hỗ trợ có hiệu quả công tác khuyến công và phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Hỗ trợ tư vấn phát triển Nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ triễn lãm trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung và đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bảy là,
đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhân rộng các mô hình theo hướng chuyển đổi tư duy từ tăng sản lượng sang giá trị; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững. Tập trung công tác quản lý bảo vệ rừng, triển khai chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, đề án trồng 01 tỷ cây xanh, thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng, triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế đảm bảo đúng quy định. Tập trung phát triển khai thác thủy sản xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung quản lý chặt chẽ không để phát sinh tàu cá không đăng ký, không có giấy phép khai thác thủy sản, không đăng kiểm.

Tám là,
về thu hút đầu tư, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thông qua việc tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn đọng, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa trong thủ tục hành chính; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư; tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc khi đầu tư, sản xuất kinh doanh tại thành phố. Cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính minh bạch, tạo môi trường thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư.

Chín là,
triển khai kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập; thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp thành phố; tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp về kỹ năng thâm nhập vào thị trường mục tiêu, khai thác các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, đồng thời giữ vững và duy trì ổn định thị trường tiêu thụ trong nước.

Cuối cùng,
đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời; đảm bảo công tác thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đào tạo. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Thanh Thanh