Hôm nay và ngày mai, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở ngưỡng xấu nhất
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:30, 06/01/2025
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc do các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp gia tăng nhưng chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; cùng với đó là với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết có nhiều biến động bất lợi.
Đứng thứ 3 thế giới về mức độ ô nhiễm
Sáng nay (6/1), chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ở mức xấu và rất xấu khi chỉ số AQI ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố vượt ngưỡng 200. Đặc biệt, qua ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir toàn cầu đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm đứng thứ 3 thế giới khi có chỉ số AQI là 253 (màu tím - rất xấu) sau Dhaka (Bangladesh) và Delhi (India).
Đặc biệt, không chỉ có Hà Nội mà qua ứng dụng IQAir cũng cho thấy, nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên… cũng chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng với nhiều nơi có chỉ số AQI ở mức màu tím.
Tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề hiện nay tại nhiều tỉnh thành phía Bắc do các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp gia tăng chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt trong không khí rất lớn, ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.
Để bảo vệ sức khỏe người dân trước tình trạng ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Ô nhiễm không khí kéo dài đến khi nào
Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận, đợt ô nhiễm có thể kéo dài thêm khoảng 3-4 ngày tới. Trong đó hai ngày 6-7/1, mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng rất xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người. Thời gian ô nhiễm có thể bao trùm cả ngày.
Khoảng 9-10/1, một đợt gió mùa đông bắc mạnh có thể tràn xuống nước ta, chấm dứt tình trạng ô nhiễm kéo dài suốt nhiều ngày qua ở miền Bắc. Ngày 9/1, ô nhiễm có thể chỉ xuất hiện trong buổi sáng. Chiều 9/1 và ngày 10/1, ô nhiễm không khí có thể được cải thiện. Tuy nhiên, những ngày sau đó, nguy cơ ô nhiễm không khí tái diễn.
Năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó 3 đợt từ tháng 1 đến tháng 4 và 1 đợt vào đầu tháng 10. Thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết ô nhiễm ở Hà Nội ngày càng tăng, xu hướng không rõ ràng. Nguyên nhân có thể do việc kiểm soát nguồn thải từ sản xuất, xây dựng, giao thông, đốt rơm rác. Ngoài ra, điều kiện thời tiết mùa đông không thuận lợi cho phát tán không khí nên khí thải ra ngoài môi trường bị lưu cữu ở tầng thấp khiến nồng độ ô nhiễm không khí cao.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân Hà Nội thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201-300), người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.