Trung Quốc kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp sau trận động đất gây nhiều thương vong ở Tây Tạng

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 13:00, 08/01/2025

Các chuyên gia tại Trung Quốc cảnh báo mặc dù cường độ của các dư chấn đang giảm dần nhưng người dân vẫn cần đề phòng các thảm họa thứ cấp như tuyết lở và lở đất.
Môi trường - Tài nguyên

Trung Quốc kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp sau trận động đất gây nhiều thương vong ở Tây Tạng

Thanh Thanh 08/01/2025 13:00

Các chuyên gia tại Trung Quốc cảnh báo mặc dù cường độ của các dư chấn đang giảm dần nhưng người dân vẫn cần đề phòng các thảm họa thứ cấp như tuyết lở và lở đất.

Theo đó, tính đến 18h ngày 7/1 (theo giờ Việt Nam), cơ quan chức năng Trung Quốc xác nhận ít nhất 126 người đã thiệt mạng và 188 người bị thương, 28 người nguy kịch được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân thành phố điều trị, 3.609 ngôi nhà bị sập sau động đất.

Sau trận động đất có độ lớn 6,8 tại huyện Dingri, thành phố Xigaze thuộc khu tự trị Tây Tạng và 16 dư chấn, chiều 7/1, nhiều cơ quan chức năng địa phương đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp.

Công ty Điện lực Tây Tạng triển khai ứng phó khẩn đối với thảm họa động đất ở cấp độ II, đồng thời huy động các lực lượng sửa chữa hệ thống lưới điện. Hiện tại, mạng lưới điện của huyện Dingri đã được khôi phục.

capture.png
Tìm kiếm cứu hộ những người sống sót sau trận động đất ở Dingri, Xigaze, Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 7/1 (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc kích hoạt ứng phó khẩn cấp về bảo tồn nước cấp độ IV. Một quan chức của Bộ Tài nguyên nước xác nhận căn cứ tình hình thiên tai, cơ quan này đã yêu cầu tổ chức ngay lực lượng chuyên môn kỹ thuật để thực hiện điều tra, đánh giá rủi ro đối với các dự án thủy lợi trong trận động đất nhằm kịp thời xử lý các nguy cơ tiềm tàng, đồng thời tiến hành cảnh báo sớm, sơ tán người dân vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân khi cần thiết.

Ủy ban Phòng chống giảm nhẹ và cứu nạn thiên tai quốc gia Trung Quốc đã nâng cấp độ ứng phó khẩn cấp cứu trợ thiên tai quốc gia lên cấp 2.

Các chuyên gia tại Trung Quốc cảnh báo mặc dù cường độ của các dư chấn đang giảm dần nhưng người dân vẫn cần đề phòng các thảm họa thứ cấp như tuyết lở và lở đất.

Khu vực xảy ra động đất nằm trên cao nguyên Tây Tạng, có độ cao hơn 4.000 mét so với mực nước biển. Thêm vào đó, thời tiết đang trong giai đoạn lạnh tăng cường và tình trạng thiếu oxy ở cao nguyên khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong diễn biến liên quan, cảnh sát Nepal xác nhận 13 người tại nước này đã bị thương nhẹ trong trận động đất làm rung chuyển một số khu vực của Nepal vào sáng cùng ngày. Trung tâm Giám sát tình trạng khẩn cấp quốc gia của Nepal cho biết trận động đất có độ lớn 5,3 ảnh hưởng 9 huyện của nước này, làm sập 2 ngôi nhà và gây hư hại 12 ngôi nhà khác.

Động đất gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường. Khi xảy ra động đất, các trận sóng địa chấn có thể làm nứt vỡ mặt đất, tạo ra các vết nứt lớn và hố sâu, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên. Các trận động đất mạnh còn có thể gây ra sóng thần, làm ngập lụt các khu vực ven biển, phá hủy hệ sinh thái biển và đất liền. Ngoài ra, động đất có thể làm rối loạn hệ thống sông ngòi, gây lở đất, phá hủy rừng và làm mất đi đa dạng sinh học trong khu vực bị ảnh hưởng. Những tác động này không chỉ gây thiệt hại tức thời mà còn tác động lâu dài đến sự phát triển bền vững của môi trường.

Thanh Thanh