Sông Tô Lịch oằn mình gánh nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 09:30, 09/01/2025
Sông Tô Lịch oằn mình gánh nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý
Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng nước, sông Tô Lịch vẫn đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt cống xả thải chưa qua xử lý tiếp tục chảy thẳng vào lòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân khu vực.
81 cống xả thải chảy thẳng vào sông Tô Lịch
Mặc dù đã được Trung ương và thành phố đã tốn hàng nghìn tỷ đồng đầu tư tuyến cống gom nước thải để xử lý, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều cửa xả chưa được gom triệt để, hàng ngày nước thải vẫn xả thẳng vào sông Tô Lịch gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Người dân tỏ ra lo lắng và bức xúc khi nước thải từ các cửa xả khiến sông khiến nước dâng cao, có thời điểm nước trên sông sùi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối.
Trước tình hình trên, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, sở vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố (Ban Nông nghiệp) và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành kiểm tra, rà soát hiện trạng các cửa xả nước thải xuống sông Tô Lịch.
Qua kiểm tra, đoạn bờ trái từ đường Hoàng Quốc Việt đến đập Thanh Liệt và bờ phải đoạn từ đường Lê Văn Lương đến đập Thanh Liệt có 182 cửa xả, đã được xây dựng hệ thống cống bao và các giếng tách thu gom nước thải thuộc phạm vi gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và tuyến chính của dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá).
Đến nay, vẫn còn khoảng 26 cửa xả nước vào sông Tô Lịch. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng cho biết, đoạn bờ phải từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường Lê Văn Lương có khoảng 55 cửa xả chưa được tách nước thải, không thuộc phạm vi gói thầu số 2 dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng nước, sông Tô Lịch vẫn đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt cống xả thải chưa qua xử lý tiếp tục chảy thẳng vào lòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân khu vực.
Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch chủ yếu thuộc lưu vực S2 và một phần thuộc lưu vực S3.
Đối với lưu vực S2, nước thải được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Hiện dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã được đầu tư xây dựng với 4 gói thầu xây lắp chính (hiện chậm tiến độ).
Còn tại lưu vực S3, nước thải được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Phú Đô. Hiện nước thải của lưu vực S3 chưa được thu gom tách nước thải khỏi sông Tô Lịch.
Để đảm bảo thu gom nước thải triệt để dọc sông Tô Lịch, đối với 26 cửa xả chưa thu gom nước thải thuộc phạm vi dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP Hà Nội giao Ban Nông nghiệp chủ trì cùng đơn vị tư vấn rà soát hiện trạng và các hạng mục đã triển khai thực hiện của dự án, đề xuất giải pháp thu gom nước thải triệt để, bổ sung vào gói thầu số 2.
Đối với 55 cửa xả còn lại, Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Ban Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, có các giải pháp đảm bảo thu gom nước thải triệt để và tránh chồng lấn.
Hà Nội dự kiến đầu tư khẩn cấp 550 tỷ đồng bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch với tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.
Văn bản nêu rõ, sau khi dự án Nhà máy xử lý nước thái Yên Xá đi vào hoạt động (từ ngày 1/12/2024, dự kiến hoàn thành toàn bộ hệ thống năm 2027), các nguồn nước bổ cập cho sông Tô Lịch đã được thu gom dẫn đến sông Tô Lịch sẽ bị cạn. Đồng thời việc đầu tư trạm bơm Liên Mạc, hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S3 (về nhà máy xử lý nước thải Phủ Đô), hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến tiến độ hoàn thành giai đoạn 2027-2030).
Vì vậy, dự báo đến hết nhiệm kỳ 2026-2030, chưa thể hoàn thành việc bố cập nước sông Hồng cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch để bảo đảm cảnh quan, khắc phục ô nhiễm môi trường được xác định là nhiệm vụ cấp bách của thành phố Hà Nội.
Thời gian tới, sông Tô Lịch vào mùa khô sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm cảnh quan đô thị. Để triển khai một dự án cấp nước bổ cập nước nhanh, kịp thời cho sông Tô Lịch hiện nay với tính khả thi cao, phù hợp điều kiện thực tế của Hà Nội, cần thiết phải triển khai theo phương án xây dựng công trình khẩn cấp.
Căn cứ quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, việc quyết định xây dựng công trình khẩn cấp để "thực hiện nhanh, kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật” thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường (tổng mức đầu tư khái toán khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách thành phố Hà Nội). UBND thành phố cam kết hoàn thành trước tháng 9-2025.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho UBND thành phố Hà Nội sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, bảo đảm mục tiêu, tiến độ dự án.