An Giang tăng cường các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:30, 12/01/2025
An Giang tăng cường các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường.
Theo Sở TN&MT tỉnh An Giang, mùa khô năm 2023 - 2024, tổng lượng mưa đo được ở một số huyện, thị xã, thành phố thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Cộng với đó là lưu lượng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công đổ về thấp khiến cho mực nước ở các sông, kênh rạch hạ thấp, đặc biệt là tại các huyện như Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Không chỉ thế, mặc dù không tiếp giáp với biển, tỉnh An Giang có thời điểm nước mặn đã xâm nhập vào một số tuyến sông, kênh rạch. Đơn cử như từ tháng 2 đến tháng 5/2024, nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào khu vực giáp ranh giữa tỉnh An Giang và Kiên Giang, có thời điểm độ mặn đo được trên một số đoạn kênh, rạch thuộc các huyện Thoại Sơn và Tri Tôn dao động từ 0.1 đến 0.3‰.
Ngoài ra, các hiện tượng dông lốc, sạt lở đất cũng đã và đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên địa bàn. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh An Giang, năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 68 vụ sạt lở; năm 2023 xảy ra 136 vụ sạt lở và trong 9 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra hơn 32 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch. Các vụ sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng của nhà nước, đất đai, nhà cửa, hoa màu của người dân địa phương.
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh An Giang nhận định, các hiện tượng cực đoan của BĐKH như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, dông lốc đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên địa bàn tỉnh An Giang và gây ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó, nghiêm trọng nhất là ngành nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế của tỉnh, nhưng do thời tiết, nguồn nước thay đổi thất thường thời gian qua đã làm cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng cây trồng giảm, từ đó ảnh hưởng đến sự đóng góp của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế của tỉnh.
Trong thời gian tới, để ứng phó hiệu quả với BĐKH phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, bền vững, tỉnh An Giang sẽ tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất.
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh An Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm bắt kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là thời điểm mùa khô 2024 - 2025 để có các giải pháp ứng phó hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi khoảng 35.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và vừa thích ứng với BĐKH.
Cùng với đó, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt là các cống vùng ven biển phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân thuộc huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.
Đồng thời, triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng BĐKH phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho người dân huyện Tri Tôn, Tịnh Biên với 3 hồ chứa nước. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 367 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang sẽ lập phương án hạn chế khai thác nước dưới đất; thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Huy động các nguồn lực thực hiện đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững; tổng kiểm kê tài nguyên nước; công bố các vùng nước bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; hạn chế khai thác nước dưới đất để bảo vệ tầng chứa nước, phòng tránh nguy cơ sụt lún, sạt lở đất.
Để nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, hiện nay, tỉnh An Giang cũng đang đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT - WB11) tỉnh An Giang. Dự án này có nhiều hợp phần, trong đó, tập trung các giải pháp cải thiện hạ tầng thủy lợi trữ lũ tự nhiên trong các đê bao, bờ bao để phục vụ chuyển đổi sản xuất thích ứng với điều kiện của BĐKH.