Khẩn cấp bảo tồn voọc mông trắng tại Hà Nam
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 05:00, 04/01/2021
Voọc mông trắng là một trong năm loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới và chỉ được ghi nhận ở khu vực núi đá vôi thuộc xã Liên Sơn và thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trong một vùng rừng núi nhỏ tiếp giáp với bốn tỉnh, thành phố là Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam và Hà Nội.
Ðể cứu voọc mông trắng khỏi nguy cơ tuyệt chủng và bảo vệ quần thể Tam Chúc như một di sản thế giới, các cấp, các ngành cùng người dân tỉnh Hà Nam cần thực hiện ngay một số mục tiêu ưu tiên; ngừng mọi hoạt động khai thác đá vôi khu vực rừng tại huyện Kim Bảng và một phần của huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Hà Nam hiện còn khoảng 4.000 ha rừng nằm trên địa bàn hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Vùng rừng này là sinh cảnh sống cốt lõi của voọc mông trắng do đó mang ý nghĩa bảo tồn quan trọng nhất. Tuy nhiên một số mỏ đá được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ở phía đông và bắc của huyện Kim Bảng vẫn tiếp tục hoạt động sâu bên trong khu rừng tự nhiên. Các mỏ đá được quy hoạch tại huyện Thanh Liêm cũng tiếp tục hoạt động trong khu rừng tự nhiên. Ðây là một thảm họa sinh thái; đồng thời gây tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Voọc mông trắng đang bị đe dọa nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)
Song song với đó, cần tiếp tục duy trì kết nối sinh cảnh. Mặc dù nhiều năm qua, khả năng tồn tại của voọc mông trắng phụ thuộc vào khả năng di chuyển cũng như sinh sản trong toàn bộ cảnh quan này. Nếu như hành lang sinh cảnh giữa những khu rừng này bị mất đi thì khả năng tuyệt chủng của loài linh trưởng này là rất cao. Chính vì thế, vùng rừng thuộc Tam Chúc (nối với Hương Sơn của Hà Nội) và khu rừng của huyện Thanh Liêm, nối với Kim Bảng đến tỉnh Hòa Bình và Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long đều mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Không chỉ vậy, mục tiêu được công nhận là di sản thế giới cũng sẽ bị bỏ lỡ nếu không bảo vệ được toàn vẹn sinh cảnh và hệ sinh thái khu vực được bảo tồn. Do đó, cần có tầm nhìn hướng tới phát triển bền vững thông qua việc thành lập khu bảo tồn mới.
Ðể bảo tồn loài voọc mông trắng và những di sản thiên nhiên khác, cần quy hoạch toàn bộ khu rừng Kim Bảng (khoảng 3.500 – 4.000 ha) bao gồm vùng rừng thuộc khu vực Tam Chúc, huyện Kim Bảng và một phần huyện Thanh Liêm thành khu bảo tồn (rừng đặc dụng), có ban quản lý và lực lượng kiểm lâm. Ðây là cách tốt nhất, bảo đảm toàn bộ khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt trong tương lai.
Trước thực trạng cần bảo tồn khẩn cấp loài voọc mông trắng tại Hà Nam, ngày 10-7, FFI có thư gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc bảo tồn khẩn cấp loài voọc mông trắng tại rừng huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Về việc này, ngày 24-7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6026/VPCP-KGVX gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh Hà Nam, về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giao UBND tỉnh Hà Nam khẩn trương chỉ đạo, tổ chức áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng tại sinh cảnh sống tự nhiên trên địa bàn theo Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QÐ-TTg ngày 10-5-2017.
Rà soát, đánh giá việc chấp hành yêu cầu về môi trường của các hoạt động khai thác đá trên địa bàn, bảo đảm không gây ảnh hưởng sự tồn tại và phát triển của các loài voọc mông trắng trong tự nhiên. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hướng dẫn UBND tỉnh Hà Nam thực hiện các biện pháp cấp bách bảo vệ loài voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các cơ quan địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất lập khu bảo tồn nhằm bảo tồn lâu dài quần thể voọc mông trắng trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo quy định pháp luật.
Voọc mông trắng, một loài linh trưởng quý hiếm đang gặp phải nguy cơ đáng báo động và chỉ còn được ghi nhận ở khu vực Vân Long (Ninh Bình) và Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Chính vì vậy, việc bảo tồn sự tồn tại của loài linh trưởng quý hiếm và độc đáo voọc mông trắng là cần thiết, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho quá trình kết hợp cảnh quan Tràng An, Tam Chúc với những khu rừng được bảo vệ, tạo thành một vùng di sản thế giới được UNESCO công nhận. Sự kết hợp này sẽ thúc đẩy hành động bảo tồn một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và giảm tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường.
Huyền Nhung