Huế thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la, bảo vệ gần 20.000 hecta thiên nhiên quý giá
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:30, 15/01/2025
Huế thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la, bảo vệ gần 20.000 hecta thiên nhiên quý giá
Với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì môi trường tự nhiên, TP. Huế đã chính thức thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la, trải rộng trên diện tích gần 20.000 hecta.
UBND TP. Huế vừa thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la, tổng diện tích khu dự trữ là 19.375,55 hecta, bao gồm diện tích Khu Bảo tồn Sao la đang quản lý 15.303,39 hecta và diện tích mở rộng 4.072,16 hecta.
Cụ thể hơn có phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.669,80 hecta; phân khu phục hồi sinh thái 6.580,04 hecta và phân khu hành chính, dịch vụ 125,71 hecta.
Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la được thành lập có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ sinh cảnh của nhiều loài động thực vật đặc hữu, giúp bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn các loài và nguồn gen có trong mỗi loài.
Đồng thời, Khu dự trữ còn góp phần phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên đang bị suy thoái, bao gồm diện tích rừng nguyên sinh còn sót lại tại khu vực Trung Trường Sơn. Nâng cao ý thức của dân, thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương với Nhà nước và các tổ chức quốc tế…
Đây là nỗ lực quan trọng nhằm bảo vệ các loài động vật quý hiếm và hệ sinh thái đặc thù, đặc biệt là loài sao la – "kỳ lân châu Á", trong bối cảnh biến đổi khí hậu và con người đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến thiên nhiên.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP. Huế cho biết, tuy diện tích mở rộng chỉ bằng khoảng 1/3 diện tích của Khu Bảo tồn đang quản lý, nhưng nó đóng góp quan trọng trong việc kết nối liên vùng giữa Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la, Khu bảo vệ Quốc gia Xê Sáp của Lào, Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Sao la Quảng Nam, cùng Vườn quốc gia Bạch Mã, tạo nên một vùng sinh cảnh rộng lớn đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của quần thể các loài tự nhiên, cũng như duy trì sự ổn định cho các hệ sinh thái đặc biệt liên biên giới…
Thành công này là kết quả từ nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự hỗ trợ của dự án Dự trữ Các-bon và Bảo tồn Đa dạng Sinh học giai đoạn II (CarBi II). Trong thời gian qua, dự án đã hỗ trợ triển khai các hoạt động trọng điểm gồm thực hiện các khảo sát đánh giá chuyên sâu về đa dạng sinh học, xây dựng kế hoạch mở rộng khu bảo tồn, phân định ranh giới các phân khu bảo tồn, và phát triển các kế hoạch quản lý toàn diện cho khu vực mở rộng. Dự án được thực hiện bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) với nguồn tài trợ từ Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng Hòa Liên Bang Đức (BMUV) thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Giám đốc Dự án WWF - Việt Nam chia sẻ, việc thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la là minh chứng rõ nét cho sự hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan. Chúng tôi rất tự hào khi dự án CarBi II đã thực hiện thành công một trong các mục tiêu quan trọng là hỗ trợ quản lý, bảo vệ và mở rộng các khu bảo tồn tại vùng cảnh quan Trung Trường Sơn. Đây không chỉ là bước tiến lớn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là nền tảng để nhân rộng các mô hình quản lý bảo tồn hiệu quả và thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn khác tại Việt Nam và khu vực.
Đại diện WWF cho hay trong tương lai sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác để hỗ trợ Khu Dự trữ thiên nhiên Sao la về tăng cường hiệu quả quản lý bao gồm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu, cung cấp trang thiết bị cần thiết, các hoạt động về tăng cường thực thi pháp luật và bảo tồn đa dạng sinh học. WWF hướng đến mục tiêu đảm bảo sự hoạt động hiệu quả cho Khu dự trữ, góp phần cải thiện công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học đồng thời đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Sao la là loài động vật được sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và sách Đỏ Việt Nam xác định là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Đây là loài động vật hoang dã, động vật rừng quý hiếm tiêu biểu cho lịch sử tiến hoá của Trường Sơn, chỉ sinh sống tại dãy núi Trường Sơn thuộc khu vực thuộc 6 tỉnh Việt Nam và 4 tỉnh ở Lào.
Theo WWF, năm 1992, Sao la lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu qua những dấu tích còn sót lại của chúng, được cung cấp bởi một người thợ săn ở Vườn Quốc gia (VQG) Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1998, hình ảnh đầu tiên của loài sao la trong tự nhiên được ghi lại bằng bẫy ảnh ở VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra còn một con sao la bị mắc bẫy được thả về tự nhiên ở huyện A Lưới, Huế. Năm 2013, lần gần nhất một cá thể sao la được nhìn thấy ngoài tự nhiên qua hình ảnh được chụp lại bằng máy bẫy ảnh…