Sáng ngày 16/1, chất lượng không khí của Hà Nội tiếp tục ở mức không lành mạnh

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 10:30, 16/01/2025

Hà Nội liên tục lọt top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới trong những ngày gần đây.
Ô nhiễm môi trường

Sáng ngày 16/1, chất lượng không khí của Hà Nội tiếp tục ở mức không lành mạnh

Thanh Thanh 16/01/2025 10:30

Hà Nội liên tục lọt top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới trong những ngày gần đây.

Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h42 sáng 16/1, Hà Nội xếp thứ 8 trong danh sách thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir.

Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 173, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh."

Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở huyện Thạch Thất ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu nâu “ nguy hiểm" ở mức 322.

capture.png
Hà Nội liên tục lọt top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới trong những ngày gần đây

Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng không khí ở mức màu cam "không tốt cho các nhóm nhạy cảm với chỉ sổ AQI là 122.

Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.

Cũng vào thời điểm này, thành phố có chất lượng không khí tốt nhất trong danh sách 125 địa điểm được IQAir theo dõi là Sydney (Australia) ở mức 7.

Tại Việt Nam, theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h50 phút sáng 16/1 thuộc về thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) với chỉ số AQI ở mức 209 màu tím "chất lượng không khí rất xấu."

Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước ở thời điểm sáng 14/1 là thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) với chỉ số chất lượng không khí ở mức 3, mức Tốt.

AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, trong 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, thì mùa Đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm như: gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa Đông Hà Nội gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.

Cũng theo chuyên gia này, thời tiết không phải là nguyên nhân mà là tác nhân làm tăng giảm chỉ số AQI gây ô nhiễm không khí. Người dân thường nghĩ tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. Ô nhiễm không khí không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí là ung thư phổi. Trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo rằng, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201 - 300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Thanh Thanh