TP Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025, 95% hộ dân thực hiện phân loại rác thành 5 nhóm

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:30, 17/01/2025

TP Hải Dương đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn, hướng tới xây dựng thói quen bền vững trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và quản lý rác thải hiệu quả hơn.
Bảo vệ môi trường

TP Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025, 95% hộ dân thực hiện phân loại rác thành 5 nhóm

Hải Đăng 17/01/2025 10:30

TP Hải Dương đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình phân loại rác tại nguồn, hướng tới xây dựng thói quen bền vững trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và quản lý rác thải hiệu quả hơn.

Hiện trên địa bàn TP Hải Dương (Hải Dương) mỗi ngày phát sinh 230 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 67% trong số đó là chất thải hữu cơ. Việc phân loại chất thải hữu cơ, chất thải thực phẩm và thực hiện xử lý tập trung tại các điểm trên địa bàn bằng phương pháp ủ phân hữu cơ là không phù hợp do mức độ đô thị hóa cao; phương pháp xử lý này có nhiều bất cập về mùi, nước rỉ rác trong quá trình ủ…

Do vậy, TP Hải Dương chỉ khuyến khích các hộ tự thực hiện tại nhà nếu bảo đảm các điều kiện về vườn đất và không gian. Vì vậy, ở hầu hết các địa bàn của thành phố, rác thải buộc phải đưa đến điểm thu gom và xử lý tại nhà máy.

rac.jpg
TP Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025, 95% hộ dân thực hiện phân loại rác thành 5 nhóm

Xác định được khó khăn này, TP Hải Dương đã thực hiện phân rác sinh hoạt thành 5 loại là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải trơ và chất thải còn lại (gồm chất thải hữu cơ). TP. Hải Dương đã phê duyệt Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và tái chế chất thải thực phẩm sau phân loại trên địa bàn TP. Hải Dương” vào tháng 6/2024.

Theo đó, với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế thì chủ nguồn thải, các gia đình vẫn thường làm là bán phế liệu, hoặc để riêng để nhân viên thu gom rác mang đi.

Đối với chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt rất ít. Hiện nay thành phố đã quy hoạch hệ thống các điểm tập kết có thùng chứa rác nguy hại do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương quản lý. Ngoài ra, các thôn, khu dân cư cũng bố trí những điểm tiếp nhận phù hợp và được hỗ trợ thùng chứa rác thải nguy hại từ nguồn xã hội hóa. Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương hướng dẫn để các hộ chủ động mang chất thải nguy hại tập kết tại các điểm này, theo định kỳ Công ty CP Quản lý công trình đô thị sẽ vận chuyển đi xử lý.

Đối với chất thải cồng kềnh, người dân thực hiện tháo dỡ, thu gọn thể tích, mang ra điểm tập kết trước ngày thu gom. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương sẽ thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.

Tương tự, chất thải trơ cũng được mang đến điểm tiếp nhận để vận chuyển đi xử lý. Với những chất thải còn lại, các hộ dân cho vào bao bì, gạn sạch nước, buộc chặt và bỏ ra cửa trong khung giờ thu gom để nhân viên Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương tiếp nhận mang đến nơi xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, người dân thành phố có thói quen được phục vụ thu gom rác hằng ngày, tất cả rác bỏ vào 1 thùng hoặc túi. Để thay đổi thói quen này, TP Hải Dương xác định cần làm dần dần, từ đơn giản đến phức tạp và không làm cho người dân phải phát sinh thêm chi phí, công sức thực hiện.

Đến nay, thành phố đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn phân loại rác đến người dân của 9 phường, xã vùng ven là Gia Xuyên, Ngọc Sơn, Tân Hưng, Liên Hồng, Thạch Khôi, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Tứ Minh và Ái Quốc. Các phường, xã sau khi được tập huấn, hướng dẫn đã cơ bản thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn theo 5 loại rác thải nêu trên.

TP Hải Dương cũng thực hiện thí điểm tái chế chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ tại khu vực tập trung ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên từ tháng 7/2024 đến nay. Chất thải thực phẩm sau phân loại tại các gia đình được đưa một phần về bãi tập kết thôn Đồng Bào để chế biến thành phân hữu cơ.

Sau khi thực hiện phân loại, đến tháng 9/2025 thành phố sẽ tổ chức họp đánh giá, tổng kết kết quả để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn.

TP Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025, 100% số hộ được tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác sinh hoạt; 95% số hộ thực hiện phân loại rác thành 5 nhóm và chuyển giao cho đơn vị thu gom đúng quy định.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP Hải Dương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho công tác phân loại rác thải. Để việc phân loại rác tại nguồn có hiệu quả, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ từ việc phân loại, vận chuyển và xử lý. Việc phân loại và xử lý riêng chất thải thực phẩm tiến tới có đầu ra cho sản phẩm phân hữu cơ…

Hải Đăng