Công bố kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:00, 18/01/2025
Công bố kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông
Bộ TN&MT vừa công bố kịch bản nguồn nước lần đầu trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai).
Theo kịch bản nguồn nước, mùa khô năm 2025, một số khu vực trên 6 lưu vực sông này sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do thiếu hụt lượng mưa và lượng dòng chảy ít do năng lực lấy nước của các công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.
Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên 6 lưu vực sông (Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai) được công bố nhằm mục tiêu phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.
Đồng thời, làm căn cứ để các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với Kịch bản nguồn nước theo quy định tại khoản 1, khoản 5 và khoản 6 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và khoản 2 Điều 43 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Tiềm ẩn nguy cơ thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý
Qua đánh giá số liệu về nguồn nước đến tích trữ tại các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đến 15/12/2024, kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông cho thấy, một số lưu vực có nguy cơ thiếu nước (lưu vực sông Sê San và lưu vực sông Srepok), tuy nhiên từ khoảng cuối tháng 12 đã có sự gia tăng lượng mưa trên lưu vực.
Đến ngày 1/1/2025, lượng nước đến các hồ chứa trên hầu hết 6 lưu vực sông trên đã tăng đáng kể. Tuy vậy, về tổng thể, đến nay nhận định khả năng nguồn nước trên 6 lưu vực sông trong mùa cạn năm 2025 vẫn ở "Trạng thái bình thường." Tuy nhiên, từng lưu vực sông lại đối mặt với các vấn đề riêng.
Cụ thể, đối với lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, trên một số tiểu lưu vực sông vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ (tiểu lưu vực sông Bắc Giang và tiểu vùng Mo Pia thuộc tiểu lưu vực sông Kỳ Cùng). Nguyên nhân chính của thực trạng này là do thiếu hụt lượng mưa, lượng dòng chảy, năng lực lấy nước của các công trình và số lượng các công trình khai thác, công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.
Đối với lưu vực sông Mã, một số khu vực thuộc các địa phương (như Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa) vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ. Nguyên nhân chính là do thiếu các công trình khai thác, tích trữ nước, hệ thống công trình thủy lợi.
Đối với lưu vực sông Hương, một số khu vực có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ (đặc biệt vào tháng 5, tháng 6 năm 2025) do năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác nước còn thiếu, chưa đồng bộ; thiếu nguồn cấp nước (khu vực đồng bằng ven biển ngoài đầm Cầu Hai và Phá Tam Giang).
Ngoài ra, vào các tháng cao điểm về sử dụng nước cho nông nghiệp và thủy điện (tháng 6, tháng 7), nguồn nước của 3 hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền vẫn có nguy cơ không đáp ứng đầy đủ lượng nước cho các nhu cầu dùng nước, nên vẫn có nguy cơ hạn hán, thiếu nước vào các tháng cuối mùa cạn.
Tương tự, đối với lưu vực sông Đồng Nai, về tổng thể nguồn nước trên lưu vực đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên một số tiểu lưu vực thượng sông Đồng Nai và lưu vực sông Bé vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Một số khu vực ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ ở các tiểu vùng do năng lực lấy nước và số lượng các công trình khai thác, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu.
Đối với lưu vực sông Sê San, tính đến 1/1/2025, nguồn nước các hồ chứa thủy điện trên dòng chính cơ bản đáp ứng cho nhu cầu phát điện và xả dòng chảy về hạ du. Một số khu vực do chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, nên vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ vào các tháng cuối mùa cạn.
Riêng lưu vực sông Srepok, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước lưu ý nếu nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao như năm 2022, hoặc các nhà máy điện trên lưu vực được điều động phát điện với sản lượng lớn, thiếu hụt các nguồn điện khác vào các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng kéo dài (các tháng 4, 5, 6/2025); kết hợp với việc phải bảo đảm yêu cầu xả dòng chảy về hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa, thì nguồn nước tích trữ tại các hồ có nguy cơ bị thiếu hụt, không đáp ứng đủ nước cho nhu cầu phát điện, xả dòng chảy tối thiểu về hạ du.
Ngoài ra, hiện nay, diện tích được tưới bởi các hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích cần tưới. Như vậy, phần lớn diện tích còn lại chưa chủ động được nguồn nước mà phải dựa vào nguồn nước mưa, nước ngầm và sông suối tự nhiên dẫn đến một số khu vực sẽ có nguy cơ thiếu nước cục bộ khi xảy ra nắng nóng và không có mưa.
Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng phù hợp với kịch bản nguồn nước
Bộ TN&MT thấy rằng, để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước, đặc biệt là ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt trên 6 lưu vực Bằng Giang-Kỳ Cùng; Mã; Hương; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai trong mọi tình huống, Bộ TN&MT đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố các tỉnh, thành phố trên 6 lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, chỉ đạo việc chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Các kế hoạch sử dụng nước phải lập trên nguyên tắc tiết kiệm nước, tránh thất thoát, lãng phí, dự phòng nguy cơ xảy ra thiếu nước trong các tháng cuối mùa cạn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông của dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, chỉ đạo nghiên cứu nâng cao khả năng tích trữ, năng lực điều tiết đối với các hồ chứa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập Đoàn điện lực Việt Nam, các Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia xây dựng kế hoạch vận hành các hồ chứa thủy điện đáp ứng nhu cầu nước ở hạ du các hồ chứa, tạo thuận lợi cho vận hành công trình thủy lợi lấy nước và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện trên cơ sở tuân thủ quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 6 lưu vực sông. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng của nguồn nước và bảo đảm nguồn nước cấp cho hạ du đến cuối mùa cạn năm 2025.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên 6 lưu vực sông chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và cấp nước cho sản xuất ở đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên 6 lưu vực sông rà soát, nâng cao năng lực hệ thống các hồ chứa thủy lợi, điều chỉnh các quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu và bảo đảm lưu thông dòng chảy, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước.
Xây dựng các công trình điều tiết, trữ nước trong quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch thủy lợi và các quy hoạch khác có liên quan, ưu tiên các tiểu vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Giám sát chặt chẽ việc khai thác nguồn nước các hồ chứa thuỷ lợi, hệ thống công trình thuỷ lợi, phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác, đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí nước.
Kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước các hồ và hạ lưu sông. Đồng thời, khẩn trương xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các nhà máy nước khai thác nguồn nước mặt cấp nước cho sinh hoạt. Đồng thời tổ chức chỉ đạo khai thác nước mặt, nước dưới đất theo hình thức kết hợp hoặc luân phiên; chỉ đạo đầu tư mở rộng hoặc xây mới các nhà máy nước theo kế hoạch phát triển cấp nước của địa phương.