Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 6 đột phá đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:00, 18/01/2025
Sáng 17/1 (theo giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Tổng hợp Warsaw - đại học danh tiếng nhất của Ba Lan, một trong những trường đại học lâu đời và uy tín hàng đầu của châu Âu.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Ba Lan; đại diện các cơ quan của Ba Lan; ban lãnh đạo, các giáo sư, giảng viên, sinh viên Đại học Tổng hợp Warsaw; các chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.
Thành lập năm 1816, với bề dày truyền thống hơn 200 năm, Đại học Tổng hợp Warsaw đã đào tạo nhiều nhà lãnh đạo, danh nhân kiệt xuất, trong đó có 2 Tổng thống và 6 Thủ tướng Ba Lan, 6 cựu sinh viên được trao giải thưởng Nobel vì những cống hiến nổi bật trên các lĩnh vực văn học, kinh tế và hòa bình.
Các cựu sinh viên của trường đạt giải Nobel gồm: Henryk Sienkiewicz (Giải Nobel Văn học năm 1905); Czeslaw Milosz (Giải Nobel Văn học năm 1980); Menachem Begin (Giải Nobel Hòa Bình năm 1978 - Nguyên là Thủ tướng Israel 1977-1983); Joseph Rotblat (Giải Nobel Hòa bình năm 1995); Leonid Hurwicz (Giải Nobel Kinh tế năm 2007); Olga Tokarczuk (Giải Nobel Văn học năm 2018).
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu chính sách với chủ đề: "Đưa quan hệ Việt Nam – Ba Lan hướng tới tầm cao hơn, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu".
Giá trị cốt lõi trong quan hệ hai nước
Nhấn mạnh chuyến thăm Ba Lan lần này diễn ra đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (04/02/1950-04/02/1975), Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng được đến thăm và phát biểu tại Đại học Tổng hợp Warsaw– đại học danh tiếng nhất của Ba Lan, một trong những trường đại học lâu đời và uy tín hàng đầu của châu Âu.
Trường còn là biểu tượng cho sự hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và Ba Lan trong lĩnh vực giáo dục. Hàng trăm sinh viên và cán bộ Việt Nam đã và đang theo học tại Trường. Nhiều người ngày nay là những giáo sư, nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng khẳng định, dù hai nước Việt Nam và Ba Lan cách xa nhau về địa lý, song trái tim của nhân dân hai nước luôn hướng về nhau. Bài thơ "Việt Nam" của nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska sẽ mãi đồng hành với nhiều thế hệ người dân Việt Nam:
"Chị ơi! Chị tên gì? - Tôi không biết
Chị sinh năm nào? Và ở nơi đâu? - Tôi không biết
Vì sao chị lại đào một cái hầm dưới đất? - Tôi không biết
Chị ẩn náu nơi đây đã được bao lâu? - Tôi không biết
Tại sao chị lại cắn vào ngón tay thân ái của tôi? - Tôi không biết
Chị có hiểu chúng tôi không làm gì hại chị? - Tôi không biết
Chị ở bên nào trận tuyến? -Tôi không biết
Giờ đang thời chiến tranh chị phải chọn thôi - Tôi không biết
Làng chị có còn không? -Tôi không biết
Những đứa trẻ này là con chị? - Vâng."
Theo Thủ tướng, là một người bạn lớn của Việt Nam, chỉ bằng những lời thơ giản dị mà sâu sắc, nhà thơ Wislawa Szymborska đã thể hiện sự thấu hiểu tinh thần cốt lõi của người dân Việt Nam: Đó là yêu chuộng hòa bình, khát vọng tự do và quyền được sống bình yên và hạnh phúc bên gia đình, con cái; nhưng cũng luôn kiên cường, bất khuất, không bao giờ khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.
Nhân dân Việt Nam từ lâu đã biết đến đất nước Ba Lan tươi đẹp qua những vần thơ của cố Phó Thủ tướng, nhà thơ Tố Hữu:
"Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Rừng bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn".
"Chúng ta không có mâu thuẫn hay xung đột mà có rất nhiều điểm chung, điểm tương đồng. Giá trị cốt lõi trong quan hệ hai nước là sự gắn kết, hợp tác, chia sẻ trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc tới tấm gương điển hình là người lính Ba Lan Stefan Kubiak đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Từ hàng ngũ quân đội Pháp, Stefan Kubiak đã chiến đấu vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của Việt Nam. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Stefan Kubiak làm con nuôi và đặt tên Hồ Chí Toán. Ông đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu chuộng hòa bình, khát khao cống hiến và chiến đấu vì chính nghĩa, vì độc lập của một dân tộc yêu chuộng hòa bình.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn khắc ghi và trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Ba Lan dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Những ký ức về con tàu Kilinski đã đưa hàng chục nghìn người dân miền Nam Việt Nam ra tập kết ở miền Bắc sẽ mãi là minh chứng sống động cho tình cảm hữu nghị sắt son giữa nhân dân hai nước.
Ba Lan đối với nhân dân Việt Nam còn là quê hương của thiên tài âm nhạc Frederick Chopin, nhà khoa học Maria Curie và nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus; là cái nôi của nhiều kiệt tác văn học nghệ thuật và phát minh khoa học vĩ đại của nhân loại; là đất nước yêu chuộng hòa bình với nhiều di sản thế giới.
Ngày nay, Ba Lan được biết tới là nền kinh tế hàng đầu khu vực, đứng thứ 6 ở EU và thứ 20 thế giới. Trong vòng 3 thập kỷ, quy mô nền kinh tế Ba Lan đã tăng gấp 3 lần và luôn đi đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ba Lan cũng là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có vai trò và tiếng nói ngày càng quan trọng trong EU và ở khu vực Trung Đông Âu.
Trong khuôn khổ cuộc trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung chia sẻ với các đại biểu về 3 nội dung chính: (1) Về tình hình thế giới và khu vực hiện nay; (2) Các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; (3) Tầm nhìn về quan hệ Việt Nam – Ba Lan hướng đến tầm cao mới trong kỷ nguyên mới.
Những yếu tố tác động, định hình, dẫn dắt kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng nêu rõ, cục diện thế giới và hai khu vực Đông Nam Á, Trung Đông Âu đang trải qua những thay đổi sâu sắc, nhanh hơn và khó lường hơn. Về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.
Trong quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: (1) Giữa chiến tranh và hòa bình; (2) Giữa hợp tác và cạnh tranh; (3) Giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (4) Giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến, phân mảnh; (5) Giữa phát triển và tụt hậu; (6) Giữa tự chủ và phụ thuộc.
Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính, xu thế chủ đạo, là nguyện vọng cháy bỏng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, tính bất ổn, bất trắc và bất định của môi trường an ninh và phát triển toàn cầu ngày càng tăng; chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế có lúc, có nơi bị thách thức; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Thủ tướng cho rằng, trong kỷ nguyên thông minh, chính trị phải ổn định, hòa bình, kinh tế phải phát triển nhanh về bền vững, môi trường phải được bảo vệ, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, người dân phải được thụ hưởng các giá trị văn hóa, quốc tế hóa các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá, trong kỷ nguyên thông minh, thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi 03 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 03 lĩnh vực tiên phong.
3 yếu tố tác động chủ đạo là:
(1) Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI).
(2) Tác động tiêu cực của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, già hóa dân số, tội phạm xuyên quốc gia...
(3) Xu hướng gia tăng phân tách, phân tuyến, phân cực trên một số lĩnh vực dưới tác động của cạnh tranh địa - chiến lược và địa - kinh tế trên toàn cầu.
3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong là:
(1) Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ...
(2) Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
(3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật...
Theo Thủ tướng, những vấn đề trên đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động, ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện đến mọi quốc gia, mọi người dân trên thế giới. Vì vậy, cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu trong giải quyết những vấn đề này. Đi đôi với đó là coi trọng thời gian; phát huy trí tuệ và tính quyết đoán, quyết liệt, đúng thời điểm, đúng người, đúng việc.
Điều đó đòi hỏi tất cả các nước kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ; nỗ lực tìm ra các giải pháp hữu hiệu, mang tính tổng thể, hệ thống, bao trùm, lấy người dân làm trung tâm.
"Hơn lúc nào hết, việc chung tay, góp sức định hình một trật tự quốc tế như vậy vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm thiết thân của tất cả các nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với việc phát huy các giá trị tương đồng về lịch sử, về sự trân quý độc lập, tự chủ, tự do và yêu chuộng hòa bình sau nhiều thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng vươn lên mạnh mẽ từ đống đổ nát của chiến tranh; về lòng bác ái, yêu thương con người; tinh thần "đại đoàn kết dân tộc", hòa hiếu, nhân văn, Việt Nam và Ba Lan sẽ tiếp tục cùng nhau thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các quan tâm chung của khu vực và toàn cầu, trong đó có các vấn đề hòa bình - an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, với tinh thần thiện chí, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
6 chính sách trọng tâm xuyên suốt của Việt Nam
Chia sẻ về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển của Việt nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam nhất quán tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam đang hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Việt Nam nhất quán quan điểm: Giữ vững ổn định chính trị-xã hội; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện 6 chính sách trọng tâm xuyên suốt gồm:
Thứ nhất, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; thực hiện chính sách quốc phòng"4 không" (Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Thứ ba, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh.
Thứ tư, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của dân tộc; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng.
Thứ năm, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; "không để ai bị bỏ lại phía sau"; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Thứ sáu, xây dựng Đảng là then chốt; trong đó công tác cán bộ là "then chốt của then chốt"; tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh quá trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về thành tựu sau gần 40 năm Đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng cho biết từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia, quan hệ Đối tác Chiến lược với 10 quốc gia, quan hệ Đối tác Toàn diện với 14 quốc gia; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD; nằm trong top 33 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới; đã ký 17 hiệp định thương mại tự do; xếp thứ 44/132 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, tăng trưởng nhiều nền kinh tế và đầu tư toàn cầu suy giảm, tăng trưởng kinh tế và đầu tư của Việt Nam phục hồi tích cực (GDP năm 2024 tăng ở mức cao 7,09%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 40 tỷ USD và vốn thực hiện đạt trên 25 tỷ USD). Bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn giới hạn cho phép.
An sinh xã hội, đời sống người dân đạt những thành tựu đáng tự hào. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam cũng đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, cứu trợ cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo. Việt Nam cam kết mạnh mẽ chuyển đổi năng lượng, hướng tới đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng chia sẻ về 5 bài học kinh nghiệm của Việt Nam đúc rút từ công cuộc Đổi mới: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhân dân làm nên lịch sử, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, có thể nói "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".
Trong năm 2025 và thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Năm 2025 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% và những năm tiếp theo đạt mức 2 con số.
(2) Làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn...).
(3) Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.
(4) Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
(5) Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
(6) Củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Thủ tướng cho biết, trong tổng thể chính sách đối ngoại, Việt Nam xác định kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy nội lực kết hợp với đoàn kết quốc tế, xây dựng năng lực tự chủ đi đôi với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Với tinh thần đó, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với các nước Trung Đông Âu, đặc biệt là với các nước bạn bè truyền thống như Ba Lan.
6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới
Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp được các thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp trong 75 năm qua, Thủ tướng đề xuất 6 đột phá để đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm cao mới:
Thứ nhất, tạo đột phá trong việc nâng quan hệ hợp tác, hữu nghị và đoàn kết giữa hai nước, hướng đến Đối tác chiến lược; thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, trao đổi đoàn cấp cao.
Thứ hai, tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD/năm.
Là thành viên của Cộng đồng ASEAN hơn 660 triệu dân phát triển năng động, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ba Lan tiếp cận thị trường ASEAN.
Vì lợi ích của doanh nghiệp hai nước, hai bên cần phối hợp tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA và thúc đẩy các thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Thủ tướng đề nghị Ba Lan ủng hộ EC sớm gỡ thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam.
Việt Nam cũng mong đón nhận nhiều nhà đầu tư Ba Lan vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, chế biến nông sản và thực phẩm, chăn nuôi, y tế, dược phẩm, năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ, logistics và hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, tạo đột phá trong hợp tác thúc đẩy các lực lượng sản xuất mới tiên tiến, hiện đại như "phương thức sản xuất số".
Thủ tướng đề nghị các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp Ba Lan dành nhiều nguồn lực hơn cho hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ xanh, năng lượng sạch, công nghệ mới, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... và các công nghệ nền tảng như luyện kim, chế tạo máy…
Thủ tướng tin tưởng Cơ chế tham vấn lao động mà hai nước vừa ký kết cùng với Thỏa thuận hợp tác về giáo dục ký trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội mới cho người lao động và thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận với tri thức và các kỹ năng khoa học công nghệ, chuyên môn cao, nhất là về chuyển đổi số.
Thứ tư, tạo đột phá trong giao lưu nhân dân. Việt Nam quyết định miễn thị thực đơn phương cho công dân Ba Lan mang hộ chiếu phổ thông trong năm 2025 (từ ngày 01/3/2025).
Thứ năm, tạo đột phá trong phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc; đóng góp chủ động, tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy, gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN. Việt Nam ủng hộ Ba Lan có Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (TAC) với ASEAN.
Thứ sáu, đổi mới và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng - an ninh bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
"Nhìn về tương lai, tôi vững tin rằng Việt Nam và Ba Lan đang đứng trước những cơ hội lớn lao để đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, trở thành một điển hình về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.