TP.HCM: 80% hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn vào năm 2025

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:00, 26/01/2021

Moitruong.net.vn – Theo kế hoạch, tầm nhìn đến 2025, tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi sẽ tái chế làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn. 100% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTR sinh hoạt được thu hồi, tái chế làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.

Bên cạnh đó, 100% CTR công nghiệp nguy hại và không hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế. 100% số khu xử lý CTR đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh,…

Từ năm 2005, TP.HCM đã bắt đầu thí điểm thực hiện chương trình phân loại CTRSH tại nguồn tại một số địa bàn dân cư, chợ, siêu thị. Đặc biệt, triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2015, TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện được phân loại CTRSH với quy mô lớn, duy trì thực hiện liên tục và bước đầu đạt được hiệu quả tích cực về mặt tuyên truyền, nhận thức của người dân và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hệ thống thu gom tại nguồn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn được thí điểm triển khai tại một số địa bàn dân cư từ năm 2005, tuy nhiên ban đầu chưa đạt hiệu quả vì chưa có quy định chung từ cấp Thành phố. Triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2015, TP.HCM đã xác định việc phân loại CTRSH tại nguồn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện rộng rãi trên địa bàn toàn thành phố để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn.

Vì vậy, Thành ủy, UBND, HĐND TP.HCM đã ban hành nhiều chỉ đạo, văn bản quy định về công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Cụ thể, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 1832/QĐ – UBND ngày 18/4/2017 về Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn giai đoạn 2017 -2020; Quyết định 44/2018/QĐ –UBND ngày 14/11/2018 quy định về phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố; Quyết định 12/2019 ngày 17/5/2019 về Quy định quản lý CTRSH trên địa bàn thành phố. Ngày 11/7/2017, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-HĐND về công tác bảo vệ môi trường đô thi, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Tất cả những quy định này đã tạo sự đồng bộ, thống nhất từ các cấp, các ngành trong công tác triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Ngày 03/6/2020, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có kết luận thống nhất chủ trương định hướng thay đổi phương thức phân loại CTRSH trên địa bàn thành phố. Thực hiện chỉ đạo, Sở TN&MT TP.HCM đã hoàn thiện Dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 12/2019, trong đó CTRSH được hướng dẫn phân loại thành 2 nhóm: nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và nhóm còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại và các loại chất thải khác phát sinh từ cá nhân, hộ gia đình và chủ nguồn thải).
TP.HCM cũng tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự và nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, trung chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn từ Sở, ban, ngành của thành phố đến UBND quận, huyện và UBND phường, xã, thị trấn; xây dựng mô hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn phù hợp trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn bằng các giải pháp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý CTR; xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành Dự án xử lý CTR sau khi xây dựng xong đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững của Dự án xử lý chất thải.

Ngoài ra, trong thời gian qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện có kế hoạch tập trung công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Đến nay, UBND 24 quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn đến 238/322 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, chiếm tỷ lệ 74%.

Ninh An (t/h)

Ninh An (t/h)