An Giang: Đầu mùa khô, gần 7.300 ha rừng có nguy cơ cháy

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:33, 23/03/2021

Moitruong.net.vn – Mới bước vào đầu mùa khô, nhưng tỉnh An Giang đã có gần 7.300 ha rừng đối mặt nguy cơ cháy, chiếm trên 43,02% tổng diện tích rừng của tỉnh.

An Giang đang bước vào mùa khô hạn, tổng diện tích vùng trọng điểm rừng của tỉnh có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn được xác định là 7.256,2 ha chiếm 43,02% tổng diện tích rừng của tỉnh; trong đó, huyện Tịnh Biên là địa phương với diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao nhất với hơn 2.900 ha, tiếp đến là huyện Tri Tôn với hơn 1.800 ha.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang),toàn tỉnh có tổng diện tích rừng gần 16.900ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng phân bố ở các huyện, thành phố như: Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn.

Thông thường, nguy cơ cháy rừng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Nhưng khác với một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, rừng ở An Giang, nhất là khu vực đồi núi, khi xảy ra cháy rất khó chữa do thiếu nước, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt…

Hành vi sử dụng lửa là nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy rừng ở An Giang rất cao. Bên cạnh nguy cơ đến từ người dân tại chỗ với các hoạt động đốt cỏ, rơm rạ để làm ruộng, rẫy, vứt tàn thuốc, săn mật ong… rừng ở An Giang còn đón nhận nguy cơ đến từ khách hành hương thông qua các hình thức đốt nhang, đốt giấy vàng mã tại các cơ sở tâm linh khu vực đồi núi…

Trong khi đó, nhiều địa phương cùng tồn tại 2 loại hình rừng. Điển hình như huyện Tịnh Biên – địa phương được xác định có khu vực trọng điểm cháy rừng đứng đầu tỉnh với diện tích 2.912ha thì diện tích rừng đồi núi hơn 1.900ha và diện tích rừng đồng bằng cũng hơn 1.000ha.

Diễn tập phòng chống cháy rừng tại huyện Tịnh Biên. Ảnh: Nguyễn Hảo

Vì vậy, để chủ động phòng cháy rừng, An Giang ưu tiên phương án phòng chống từ xa. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, các đơn vị chức năng vận động và phối hợp các chủ rừng, người nhận giao khoán rừng triển khai phát dọn cỏ, chặt dây leo, cây bụi, đôn đốc các hộ nhận giao khoán rừng thực hiện đường băng trắng quanh lô rừng…

Đồng thời, các đơn vị chức năng phát động việc dọn đường băng cản lửa các vùng trọng điểm cháy. Ngoài ra, các đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra lượng nước ở các hồ, bồn nước hiện có…

Được biết, năm 2020, toàn tỉnh An Giang xảy ra 13 vụ cháy rừng với diện tích gần 11ha, chủ yếu ở hai huyện biên giới là Tịnh Biên và Tri Tôn.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang khẳng định, mùa khô hạn năm nay, An Giang kiên quyết không để xảy ra cháy rừng. Nếu có xảy ra cháy phải cố gắng tập trung mọi nguồn lực, phương tiện dập tắt kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.

Để phòng chống cháy rừng, ông Thái Văn Nhân cho hay, từ cuối mùa mưa, Ban quản lý rừng đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ và tiến hành bố trí xuống các chốt bảo vệ rừng; định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi với 197 điểm chứa nước; tổ chức thuê mướn gánh nước đổ vào 150 bồn chứa ở các sườn núi….

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 13 vụ cháy rừng với diện tích gần 11 ha, chủ yếu ở hai huyện biên giới là Tịnh Biên và Tri Tôn. Các vụ cháy xuất hiện trong khung giờ từ 10 giờ trưa đến 16 giờ chiều, các điểm cháy xuất hiện rãi rác trải đều trên địa bàn có địa hình đồi dốc rất phức tạp, thiếu nước nghiêm trọng. Diện tích cháy trên đa số có vật liệu cháy chủ yếu là cỏ, lá tầm vông… nên chỉ cháy lướt lớp thực bì dưới tán rừng, không gây ảnh hưởng đến rừng..

Huyền Nhung

Huyền Nhung