Nhiều bất cập trong đánh giá tác động môi trường của các trang trại nuôi heo

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 08:30, 03/02/2025

Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân sống ở vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế-xã hội nước ta. Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Môi trường - Tài nguyên

Nhiều bất cập trong đánh giá tác động môi trường của các trang trại nuôi heo

TS. Trịnh Xuân Đức 03/02/2025 08:30

Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân sống ở vùng nông thôn. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế-xã hội nước ta. Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch, nhất là các vùng dân cư đông đúc đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Triển vọng và chuyển dịch công nghiệp chăn nuôi heo đến miền Trung và Tây Nguyên

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi thế giới có nhiều biến động, ngành nuôi heo quy mô lớn tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2024 được dự báo đạt 115,5 triệu tấn, tương đương với năm 2023, trong khi xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự kiến tăng 2%, đạt 10,4 triệu tấn. Trong khu vực châu Á, Trung Quốc được dự báo giảm sản lượng thịt lợn 1% nhưng nhập khẩu tăng 1,1%, đạt 2,3 triệu tấn. Điều này tạo ra cơ hội cho các quốc gia sản xuất thịt lợn, trong đó có Việt Nam, mở rộng xuất khẩu.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 4,9 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2023. Đồng thời, tổng đàn lợn cả nước vào cuối tháng 12/2024 đạt khoảng 31,08 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính lợn con chưa tách mẹ, tổng đàn lợn đạt 26,59 triệu con, tăng 4,1% so với năm 2023. Điều này cho thấy ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt, bất chấp những thách thức về dịch bệnh và biến động giá thức ăn chăn nuôi.

c1.png
Nguồn: VCBs

Vùng miền Trung và Tây Nguyên được đánh giá có tiềm năng lớn trong phát triển chăn nuôi heo quy mô lớn nhờ vào quỹ đất rộng, khí hậu phù hợp và nguồn lao động dồi dào. Các địa phương như Bình Định, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chăn nuôi theo mô hình công nghiệp. Với việc áp dụng công nghệ hiện đại, quản lý dịch bệnh chặt chẽ và liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ, khu vực này có thể trở thành trung tâm cung ứng thịt lợn cho cả nước và hướng tới xuất khẩu trong tương lai.

Bên cạnh những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực, ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường. Các vấn đề ô nhiễm nước và không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng mà còn đe dọa sự phát triển bền vững của ngành. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân sâu xa của những vấn đề này, cần xem xét các yếu tố liên quan đến chính sách môi trường, hiệu quả trong công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và mức độ chặt chẽ của các quy chuẩn hiện hành. Phân tích chi tiết các yếu tố này sẽ giúp làm rõ những hạn chế đang tồn tại và đề xuất giải pháp phù hợp cho ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, môi trường khí từ các chính sách bất cập trong việc ĐTM


1. Bất cập tái tuần hoàn nước thải chăn nuôi heo


Việc tái tuần hoàn nước thải chăn nuôi heo được khuyến khích theo Luật BVMT năm 2020 với mục đích hạn chế việc xả thải trực tiếp ra môi trường, song thực tế chính sách này lại dẫn đến những bất cập rõ rệt khi vận dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trước hết, mặc dù cam kết của các trang trại về việc không xả nước thải ra môi trường được thúc đẩy bởi quy định của Luật BVMT, thì việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành QCVN chỉ quy định giới hạn các chỉ tiêu kim loại nặng và E-coli cho nước thải đủ điều kiện tưới cây lại tạo ra một tiêu chuẩn mà hầu hết nước thải chăn nuôi, kể cả khi chưa qua xử lý, đều có thể đạt được đối với các chỉ tiêu này, ngoại trừ chỉ tiêu E-coli. Do đó, những nước thải này thường không được xử lý đầy đủ trước khi sử dụng, dẫn đến nguy cơ lơ là kiểm soát một số chỉ tiêu quan trọng khác đối với môi trường. Hơn nữa, việc không có quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng mục đích sử dụng cụ thể của nước thải như tưới cấp ẩm, tưới cấp dinh dưỡng hay cho các hoạt động vệ sinh, rửa đường đã tạo ra sự mơ hồ trong việc áp dụng các quy định hiện hành, từ đó gây khó khăn cho các bên liên quan khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sự thiếu đồng bộ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn đã khiến cho báo cáo đánh giá tác động môi trường thường bị vận dụng theo nhiều cách khác nhau, không đảm bảo tính nhất quán và khách quan cần có. Bên cạnh đó, khái niệm “xả chất thải chưa được xử lý” cũng bị hiểu sai theo hai hướng khác nhau, khi một số chủ đầu tư cho rằng việc xả nước thải trong khuôn viên dự án không cần phải kiểm soát chất lượng xử lý do không xả ra ngoài dự án, mà quên rằng “môi trường” không chỉ bao gồm không gian bên ngoài dự án mà còn bao gồm đất, nước, không khí và hệ sinh thái liên quan. Do đó, ngay cả khi nước thải được xả trong khuôn viên dự án, nếu không được xử lý đúng mức thì cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh. Một trong những bất cập nổi bật của chính sách hiện nay là tính khả thi còn thấp do thiếu các quy định cụ thể về tỷ lệ tái sử dụng nước thải, công nghệ xử lý bắt buộc và cơ chế giám sát hiệu quả.

c2.jpg
Hình ảnh ô nhiễm nguồn nước từ trang trại nuôi heo (Nguồn: Internet)

Việc thiếu đi những chỉ tiêu rõ ràng và quy định cụ thể đã tạo điều kiện cho nhiều trang trại xả nước chưa qua xử lý đạt chuẩn ra môi trường, từ đó làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và ngầm, đặc biệt ở những khu vực có mật độ chăn nuôi cao, nơi nguồn thải tích tụ vượt ngưỡng tự làm sạch của hệ sinh thái. Những bất cập này không chỉ làm suy yếu hiệu quả của chính sách bảo vệ môi trường mà còn gây khó khăn trong việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách khách quan và chính xác. Do đó, cần có sự rà soát và hoàn thiện các quy định liên quan đến tái tuần hoàn nước thải chăn nuôi nhằm đảm bảo rằng các tiêu chuẩn xử lý không chỉ phù hợp với quy định hiện hành mà còn đảm bảo an toàn môi trường, từ đó giúp nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như hệ sinh thái.

2. Bất cập về QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng


Các bất cập của QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng được thể hiện qua việc quy chuẩn không cập nhật đầy đủ các thông số ô nhiễm mới phát sinh từ hoạt động chăn nuôi hiện đại, điều này dẫn đến tình trạng các kết quả phân tích nước thải chăn nuôi heo cho thấy rằng, ngay cả khi chưa qua xử lý, nước thải vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn tưới cây theo quy định. Thực trạng này đã tạo ra một lỗ hổng nghiêm trọng khi các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay thường chỉ áp dụng quy chuẩn cho hình thức tưới gốc, dẫn đến việc các chủ dự án phải mua thêm diện tích đất để trồng cây nhằm tiêu thụ toàn bộ nước thải, qua đó tránh việc xả thải ra môi trường. Hậu quả của việc này là chủ dự án trang trại nuôi heo không những phải thực hiện một dự án trồng cây bổ sung mà còn phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng – lĩnh vực mà họ chưa có chuyên môn.

c3.jpg
Bảng quy chuẩn chất lượng nước thải heo dùng cho tưới cây (Nguồn : QCVN)

Đồng thời, một vấn đề hết sức nghiêm trọng khác là do phương pháp nuôi heo hiện đại sử dụng cám công nghiệp, làm tăng đáng kể hàm lượng muối trong nước thải, từ 500 đến 1000 mg/L, mức độ muối này khiến cho nước thải không thể tái sử dụng hiệu quả cho việc tưới cây nếu không được xử lý làm giảm độ mặn. Từ đó, câu hỏi đặt ra là liệu trong quá trình vận hành thực tế, các báo cáo đánh giá tác động môi trường – với vô số vấn đề mà Bộ yêu cầu chủ dự án phải giải quyết – có thực sự đảm bảo theo những gì đã được phê duyệt hay không, khi mà những bất cập của quy chuẩn đã tạo ra những sai lệch nghiêm trọng giữa lý thuyết và thực tiễn, từ đó làm tăng chi phí, rủi ro và tác động tiêu cực đến môi trường nông nghiệp.

3. Bất cập về vấn đề ô nhiễm mùi hôi


Vấn đề ô nhiễm mùi hôi từ các trang trại nuôi heo chưa được giải quyết triệt để do thiếu các giải pháp công nghệ đồng bộ trong việc thu gom và xử lý khí thải. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân xung quanh mà còn làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp, đặc biệt ở trẻ em và người già (Tổ chức Y tế Thế giới, 2021). Hệ số phát thải mùi hôi từ chuồng trại nuôi heo sàn được tính theo đơn vị mg/con heo và có thể được tham khảo theo các hướng dẫn của Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) cũng như Chương trình Giám sát và Đánh giá Môi trường Châu Âu (EMEP); những hệ số này thường được áp dụng để ước tính lượng khí thải từ hoạt động chăn nuôi, bao gồm các hợp chất gây mùi như amoniac (NH₃), hydro sunfua (H₂S) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs).

c4.jpg
Hình ảnh ô nhiễm mùi khó chịu từ trang trại heo (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay vẫn chưa có phương án thu gom và xử lý khí thải một cách triệt để, khi phần lớn các trang trại chủ yếu sử dụng chế phẩm EM hòa vào nước và phun định kỳ với hiệu quả xử lý khí thải rất hạn chế. Mặc dù phương pháp nuôi heo theo dạng khô chuồng sàn giúp tiết kiệm nước tiêu thụ, mùi hôi từ chuồng trại và hầm chứa phân vẫn rất lớn, và dù QCVN 05:2023/BTNMT đã quy định giới hạn nồng độ mùi khó chịu thì các báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa đề xuất được cách tính toán thành phần cũng như nồng độ các chất gây mùi để thu gom và xử lý khí thải đảm bảo quy chuẩn.

4. Bất cập về phát thải khí nhà kính


Các trang trại nuôi heo là nguồn phát thải chính của hai loại khí nhà kính là methane (CH₄) và nitrous oxide (N₂O), cùng với một lượng khí carbon dioxide (CO₂) gián tiếp. Khí methane chủ yếu phát sinh từ quá trình phân hủy kỵ khí của phân heo trong các hệ thống quản lý chất thải như hầm biogas, hố chứa, và ao lắng. Mặc dù quá trình tiêu hóa của heo cũng tạo ra methane, nhưng lượng này không đáng kể so với gia súc nhai lại như bò và cừu. Methane có khả năng giữ nhiệt cao gấp nhiều lần so với carbon dioxide nhưng tồn tại trong khí quyển ngắn hơn, khoảng 12 năm.

Nitrous oxide, một loại khí nhà kính khác, phát sinh từ việc xử lý và bón phân heo lên đất. Quá trình nitrat hóa và phản nitrat hóa trong đất, do lượng nitơ dư thừa từ phân, là nguồn gốc tạo ra khí N₂O. Ngoài ra, khí amoniac (NH₃) từ phân heo cũng có thể bay hơi và gián tiếp chuyển hóa thành N₂O trong môi trường. Khí N₂O có thời gian tồn tại lâu trong khí quyển, khoảng 114 năm, và có khả năng giữ nhiệt rất cao.

Mặc dù heo không trực tiếp phát thải carbon dioxide, nhưng CO₂ vẫn liên quan đến chuỗi cung ứng chăn nuôi, bao gồm hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch để vận hành trang trại như máy sưởi, vận chuyển và sản xuất thức ăn.

Tiềm năng làm nóng lên toàn cầu (GWP) được sử dụng để đo lường khả năng giữ nhiệt của một loại khí so với CO₂ trong khoảng thời gian nhất định, thường là 100 năm. Theo báo cáo IPCC AR6 (2021), CO₂ có GWP bằng 1 và tồn tại trong khí quyển từ hàng trăm đến hàng nghìn năm, là chuẩn mực để so sánh với các loại khí khác. Methane có GWP từ 27–30 trong 100 năm nhưng có thể lên đến 82–86 nếu tính trong 20 năm do tác động tức thời mạnh hơn. Nitrous oxide có GWP cao nhất, đạt 273 trong 100 năm, nghĩa là 1 tấn N₂O có tác động tương đương 273 tấn CO₂, mặc dù nó chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng phát thải nhưng ảnh hưởng rất lớn.

Mặc dù lượng phát thải methane và nitrous oxide từ trang trại heo thấp hơn so với carbon dioxide, nhưng GWP cao của chúng khiến chúng đóng góp đáng kể vào hiện tượng biến đổi khí hậu. Do đó, việc giảm phát thải từ phân heo, chẳng hạn như tối ưu hóa hầm biogas và xử lý phân hiệu quả, trở thành ưu tiên hàng đầu để hạn chế hiệu ứng nhà kính.

Các trang trại heo chủ yếu phát thải methane và nitrous oxide, hai loại khí có khả năng làm nóng lên toàn cầu cao hơn carbon dioxide từ 27 đến 273 lần. Việc quản lý chất thải hợp lý là chìa khóa để giảm thiểu tác động môi trường từ chăn nuôi heo.

Những bất cập trên phản ánh sự chồng chéo trong quản lý và thiếu cập nhật khoa học trong xây dựng chính sách ĐTM. Để giảm thiểu rủi ro, cần rà soát toàn diện các quy định hiện hành, kết hợp ứng dụng công nghệ giám sát thời gian thực và thúc đẩy hợp tác đa ngành trong kiểm soát ô nhiễm.

Tài liệu tham khảo:


1. USDA (2024). World Livestock and Poultry: Market and Trade Reports. United States Department of Agriculture.
2. Tổng cục Thống kê (2024). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024. Hà Nội, Việt Nam.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2024). Báo cáo tổng kết ngành chăn nuôi năm 2024. Hà Nội, Việt Nam.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia 2023.
5. Viện Môi trường Nông nghiệp (2022), Nghiên cứu Ảnh hưởng của Nước thải Chăn nuôi đến Hệ sinh thái Đất.
6. Tổ chức Y tế Thế giới (2021), Hướng dẫn Kiểm soát Ô nhiễm Không khí trong Chăn nuôi.
7. IPCC, 2021: Climate Change 2021: The Physical Science Basis. Contribution of Working Group I to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change [Masson-Delmotte, V., et al. (eds.)]. Cambridge University Press.
8. EPA, 2021: Inventory of U.S. Greenhouse Gas Emissions and Sinks: 1990-2019. U.S. Environmental Protection Agency, Washington, DC.
9. FAO, 2017: Livestock's Long Shadow: Environmental Issues and Options. Food and Agriculture Organization of the United Nations, Rome.
10. Gerber, P. J., Steinfeld, H., Henderson, B., et al. (2013). "Tackling Climate Change Through Livestock: A Global Assessment of Emissions and Mitigation Opportunities." Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO).
11. Monteny, G. J., Bannink, A., & Chadwick, D. (2006). "Greenhouse gas abatement strategies for animal husbandry." Agriculture, Ecosystems & Environment, 112(2-3), 163-170.
12. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. (2022). Quy chuẩn kỹ thuật tưới tiêu QCVN 01-195:2022/BNNPTNT.
13. Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA). (n.d.). Guidelines for emission factors from pig farming. Truy cập từ https://www.eea.europa.eu
14. Chương trình Giám sát và Đánh giá Môi trường Châu Âu (EMEP). (n.d.). Air pollutant emission factors. Truy cập từ https://www.emep.int
15. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. (2023). QCVN 05:2023/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Truy cập từ https://www.monre.gov.vn

TS. Trịnh Xuân Đức