Tình hình cháy, nổ trong dịp Tết Ất Tỵ giảm mạnh cả về số vụ và thiệt hại
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 18:30, 04/02/2025
Tình hình cháy, nổ trong dịp Tết Ất Tỵ giảm mạnh cả về số vụ và thiệt hại
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ ghi nhận 153 vụ cháy, nổ, giảm đáng kể cả về số lượng lẫn mức độ thiệt hại so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Mới đây, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho biết, trong 9 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, số vụ cháy trên toàn quốc giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản) so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo thống kê, 9 ngày Tết, toàn quốc xảy ra 153 vụ cháy (71 vụ cháy nhà dân, 15 vụ cháy cơ sở sản xuất, 7 vụ cháy phương tiện giao thông, 8 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, 51 vụ cháy loại hình khác và 1 vụ cháy rừng) làm 3 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính 3,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chập điện và sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
So với Tết Nguyên Nguyên đán năm 2024, số vụ cháy giảm 20 vụ, thiệt hại về tài sản ước giảm 3,2 tỷ đồng, không để xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ toàn quốc đã tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn cho người dân; tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Tiến hành xử lý nghiêm theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; rà soát, phân loại, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn cho chủ các cơ sở nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ; xây dựng và củng cố hoạt động các mô hình phong trào Toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ các địa phương đã tổ chức nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ; thường trực bảo đảm tuyệt đối an toàn các địa điểm diễn ra hoạt động vui chơi, giải trí, các địa điểm có lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và chúc Tết.
Đồng thời, tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; hướng dẫn các lực lượng này xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực, ứng trực, trang bị thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… để kịp thời phát hiện và dập tắt các vụ cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng.
Cháy, nổ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:
1. Ô nhiễm không khí: Khói và khí độc từ cháy nổ thải vào khí quyển, làm giảm chất lượng không khí và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
2. Ảnh hưởng hệ sinh thái: Cháy rừng hay cháy nhà máy có thể phá hủy môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến mất đa dạng sinh học.
3. Nước bị ô nhiễm: Chất thải từ cháy nổ có thể rò rỉ vào nguồn nước, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước.
4. Đất bị ảnh hưởng: Chất lỏng và hóa chất từ cháy nổ có thể làm biến đổi cấu trúc đất, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây cối.
5. Biến đổi khí hậu: Khí nhà kính được thải ra từ cháy nổ có thể góp phần vào biến đổi khí hậu, gây ra những hệ lụy lâu dài cho hành tinh.