Kon Tum và Quảng Nam hứng chịu 32 trận động đất trong tháng đầu năm 2025

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 20:30, 04/02/2025

Trong tháng 1/2025, cả nước ghi nhận 32 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.2, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam), theo Viện Vật lý Địa cầu.
Môi trường - Tài nguyên

Kon Tum và Quảng Nam hứng chịu 32 trận động đất trong tháng đầu năm 2025

Quốc Minh 04/02/2025 20:30

Trong tháng 1/2025, cả nước ghi nhận 32 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.2, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam), theo Viện Vật lý Địa cầu.

Ngày 3/2, thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong tháng 1/2025, cả nước xảy ra 32 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.2, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong, Kon Tum.

Số liệu cập nhật của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, trong tổng số 32 trận động đất xảy ra trong tháng vừa qua, có tới 27 trận xảy ra tại huyện Kon Plong; 5 trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam.

dong-dat-2.jpg
Ảnh minh họa

Trong đó, một số ngày xuất hiện nhiều trận động đất như: ngày 27/1 xảy ra 7 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.7 đến 3.8; ngày 9/1 xảy ra 6 trận có độ lớn từ 2.8 đến 4.2; ngày 24/1 xảy ra 3 trận có độ lớn từ 2.6 đến 3.1.

Trước đó, trong tháng 12/2024, cả nước xảy ra 20 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.8. Trong số này có 18 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Hai trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Như vậy, so với tháng 12/2024, tần suất động đất trong tháng 1/2025 có tăng (tăng 10 trận). Tuy nhiên, đây là mức tăng nhẹ, bởi trước đó trong tháng 11/2024, trên cả nước xảy ra 44 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4 (trong số này, có tới 37 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum).

Theo Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất tại Kon Plong được xác định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ thủy điện ảnh hưởng đến hệ thống đứt gãy bên dưới. Tác động của nước hồ có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi hồ tích đủ nước.

Dự báo, tình trạng động đất tại Kon Plong sẽ còn tiếp diễn, có khả năng ảnh hưởng đến các khu dân cư và công trình quan trọng. Chính quyền địa phương cần theo dõi sát diễn biến địa chất, đồng thời áp dụng các biện pháp thiết kế kháng chấn để giảm thiểu rủi ro.

Theo quy định về phòng, chống động đất và sóng thần, UBND các cấp khi nhận được cảnh báo động đất phải lập tức thông báo đến người dân, hướng dẫn sơ tán kịp thời và đảm bảo trật tự khu vực bị ảnh hưởng. Người dân cần chủ động theo dõi thông tin và thực hiện biện pháp an toàn khi có cảnh báo thiên tai.

Quốc Minh