Long An ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp ứng phó xâm nhập mặn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:20, 04/02/2025

Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, UBND tỉnh Long An đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm bảo vệ nguồn nước và đảm bảo sinh kế cho người dân. Các giải pháp đang được triển khai gấp rút để giảm thiểu thiệt hại, ứng phó kịp thời với tình trạng hạn mặn ngày càng gay gắt.
Biến đổi khí hậu

Long An ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp ứng phó xâm nhập mặn

Minh Châu 04/02/2025 16:20

Trước diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, UBND tỉnh Long An đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp nhằm bảo vệ nguồn nước và đảm bảo sinh kế cho người dân. Các giải pháp đang được triển khai gấp rút để giảm thiểu thiệt hại, ứng phó kịp thời với tình trạng hạn mặn ngày càng gay gắt.

Chiều 3/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn ký Quyết định số 1004/QĐ-UBND, ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn do thiên tai xâm nhập mặn tại tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp tuyến ống truyền tải nước thô D1200, tại địa điểm từ đường tỉnh 818 đến ranh nhà máy nước Nhị Thành, trong phạm vi Nhà máy nước Bình Ảnh, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Thời gian xây dựng công trình 45 ngày, kể từ ngày ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

2-1-(1).jpg
Long An ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp ứng phó xâm nhập mặn

Công trình khẩn cấp tuyến ống truyền tải nước thô D120 thuộc dự án Nhà máy nước Nhị Thành (giai đoạn 3), đầu tư công suất lên 120.000m3/ngày đêm, trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường tỉnh 818. Toàn bộ chi phí và nguồn lực do Công ty Cổ phần Nước Biwase - Long An thực hiện.

Mục đích xây dựng công trình trên nhằm chủ động ứng phó, ngăn ngừa tình trạng thiếu nước do thiên tai xâm nhập mặn, góp phần cấp thêm nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong giai đoạn mùa khô năm 2024-2025 và các năm tiếp theo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 2-5/2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Cửu Long về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-12%. Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế xuống dần. Xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào giữa tháng 2/2025, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Long An, từ tháng 1-6/2025, dự báo độ mặn trên hai sông Vàm Cỏ trong mùa khô 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn các sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

Trong mùa khô năm 2023-2024, do tác động của hiện tượng El Nino gây thiếu hụt lượng mưa, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tại tỉnh Long An, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ chịu ảnh hưởng thiếu nước sạch sinh hoạt nặng nề nhất do hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc có khoảng 8.150 hộ dân bị ảnh hưởng (huyện Cần Đước khoảng 2.000 hộ, huyện Cần Giuộc khoảng 6.150 hộ).

Xâm nhập mặn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm:


Suy giảm chất lượng đất: Đất bị nhiễm mặn làm giảm độ phì nhiêu, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây hoang mạc hóa.

Ô nhiễm nguồn nước: Nước ngọt bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và hệ sinh thái thủy sinh.

Suy thoái hệ sinh thái tự nhiên: Các loài cây, động vật không thích nghi với môi trường mặn có nguy cơ suy giảm số lượng hoặc biến mất.

Gia tăng hiện tượng sạt lở, xói mòn đất: Xâm nhập mặn làm thay đổi cấu trúc đất, khiến đất dễ bị xói mòn hơn.

Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học: Thay đổi độ mặn có thể làm mất cân bằng hệ sinh thái, khiến nhiều loài sinh vật không thể tồn tại.

Gia tăng phát thải khí nhà kính: Đất ngập mặn có thể làm tăng quá trình phân hủy hữu cơ, giải phóng khí CO₂ và CH₄, góp phần vào biến đổi khí hậu.

Minh Châu