[Góc nhìn tuần qua]: Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 08/02/2025
Vài năm gần đây, công tác quản lý nhà nước đối với lễ hội đã được tăng cường với nhiều giải pháp hiệu quả, bảo đảm lễ hội gắn liền với các sự kiện lớn của địa phương, giúp các lễ hội truyền thống trở thành điểm đến hấp dẫn. Các địa phương và ngành văn hóa nghiêm túc thực hiện Nghị định 110/NĐ-CP (ngày 29/8/2018) của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, phù hợp thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; có chương trình, kịch bản tổ chức lễ hội với việc phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Tuyên truyền, giáo dục về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống… thời gian qua đã được đẩy mạnh.
Với sự đa dạng, phong phú, lễ hội mùa xuân không chỉ là dịp để người dân vui chơi, giải trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, tín ngưỡng và sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, tổ tiên và cộng đồng.
Bên cạnh những yếu tố tích cực như củng cố tình đoàn kết, cùng hướng đến những điều tốt đẹp thì những hành vi trục lợi, phản cảm, tranh cướp, bao lực, thương mại hóa thái quá hay tâm lý mê tín dị đoan dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát đã làm mất đi bản chất nhân văn vốn của lễ hội, làm mai một giá trị truyền thống và ảnh hưởng đến nhận thức của cộng đồng về văn hóa dân tộc.
Để các lễ hội mùa xuân thực sự trở thành không gian văn hóa lành mạnh, gìn giữ được nét đẹp truyền thống và mang lại trải nghiệm ý nghĩa cho cộng đồng, ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo tổ chức các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025 theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực.
Về phía người dân, những người đi lễ cần có thái độ tôn trọng không gian văn hóa, ứng xử văn minh; cần loại bỏ tâm lý mê tín, chạy theo các hình thức cầu tài, cầu lộc thái quá mà quên đi ý nghĩa thực sự của việc tri ân tổ tiên, tìm về cội nguồn văn hóa.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống càng trở nên quan trọng, rất cần sự chung tay gìn giữ của cả cộng đồng.