Khai mạc Lễ hội Đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2025

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 08:19, 11/02/2025

Tối ngày 10/2 (ngày 13 tháng Giêng), tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) diễn ra lễ khai mạc lễ hội đền Trần năm 2025.
Môi trường xã hội

Khai mạc Lễ hội Đền Trần tỉnh Thái Bình năm 2025

Phúc Minh {Ngày xuất bản}

Tối ngày 10/2 (ngày 13 tháng Giêng), tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) diễn ra lễ khai mạc lễ hội đền Trần năm 2025.

Dự lễ khai mạc có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Thái Bình và hàng vạn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh Thái Bình.

Lễ hội Đền Trần là sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng đầu xuân, nhằm tri ân công lao của các vị vua, danh tướng nhà Trần - những người có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014 và lễ hội Đền Trần Thái Bình đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

den-tran-thai-binh-3-.jpg
Nghi thức bái yết các vua Trần tại đền Vua.

Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Giêng với nhiều nghi thức truyền thống trang nghiêm, trong đó có lễ bái yết tại sân trung tế Đền Vua trước thềm khai mạc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định vai trò quan trọng của lễ hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

den-tran-thai-binh-1-.jpg
Màn trống hội tại lễ khai mạc lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025.

Năm 2025 đánh dấu 800 năm ngày nhà Trần phát nghiệp, càng làm tăng thêm ý nghĩa của sự kiện năm nay. Lễ hội không chỉ là dịp để tôn vinh truyền thống dân tộc mà còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của Thái Bình, thúc đẩy huyện Hưng Hà trở thành trung tâm tăng trưởng phía Tây Bắc của tỉnh, kết nối với tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Chương trình khai mạc được mở đầu bằng màn trống hội khai từ “Thái Bình – Vàng son muôn thuở Trần Triều” với 175 tay trống, tượng trưng cho 175 năm trị vì của vương triều Trần.

den-tran-thai-binh-2-.jpg
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong chương trình khai mạc lễ hội đền Trần 2025

Tiếp đó, chương trình nghệ thuật đặc biệt mang chủ đề “Rạng rỡ Thái Bình – Miền Thánh Mẫu – Đất Thánh Nhân – Dấu thiêng Phật pháp – Phát tích vương triều Trần” tái hiện những câu chuyện lịch sử về các minh quân, danh tướng, thánh mẫu đã khai sáng vùng đất này.

Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn ca ngợi công đức của Vua Trần Nhân Tông – vị hoàng đế kiệt xuất, đồng thời là tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Các tiết mục nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và đương đại, với sự tham gia của 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Tự Long, NSƯT Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Bùi Thúy…

Lễ hội Đền Trần năm 2025 tiếp tục khẳng định là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu đầu năm, thu hút đông đảo du khách thập phương. Với sự đầu tư công phu, chương trình đã mang đến những trải nghiệm thiêng liêng và ấn tượng sâu sắc, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch tỉnh Thái Bình.

Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.

Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 16/9/2021,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.

Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QÐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phúc Minh