Australia cảnh báo mức độ nguy hiểm từ đốt nhựa

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:30, 21/02/2025

Thiếu nhiên liệu sạch, nhiều hộ gia đình ở các nước đang phát triển phải đốt nhựa để sinh hoạt. Các nhà nghiên cứu Australia cảnh báo, hành động này không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng mà còn đe dọa sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ nhỏ.
Bảo vệ môi trường

Australia cảnh báo mức độ nguy hiểm từ đốt nhựa

Hải Đăng 21/02/2025 14:30

Thiếu nhiên liệu sạch, nhiều hộ gia đình ở các nước đang phát triển phải đốt nhựa để sinh hoạt. Các nhà nghiên cứu Australia cảnh báo, hành động này không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng mà còn đe dọa sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ nhỏ.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Curtin, Tây Australia, đã chỉ ra rằng tình trạng khan hiếm nhiên liệu truyền thống cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh đang khiến nhiều gia đình ở các quốc gia đang phát triển buộc phải đốt nhựa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

290519_racthai.jpg
Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính được xác định là do khí đốt và các nguồn năng lượng sạch khác quá đắt đỏ, trong khi củi và than ngày càng khan hiếm.

Ông Bishal Bharadwaj, nhà nghiên cứu chính tại Viện Chuyển đổi năng lượng Curtin (CIET), nhấn mạnh rằng khói từ nhựa cháy thải ra hàng loạt hóa chất độc hại như dioxin, furan và kim loại nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Phụ nữ và trẻ em – những người dành nhiều thời gian trong nhà – là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.

Một khảo sát tại Nigeria cho thấy 13% hộ gia đình sử dụng rác làm nhiên liệu nấu ăn, trong khi các phân tích tại Indonesia phát hiện mức độ độc tố cao trong đất và thực phẩm, có liên quan trực tiếp đến hoạt động đốt nhựa.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nếu không có biện pháp can thiệp, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2050, một phần ba dân số thế giới sẽ sống tại các khu đô thị, và nhu cầu tiêu thụ nhựa có thể tăng gấp ba vào năm 2060, kéo theo nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy giảm sức khỏe cộng đồng.

Bà Peta Ashworth, Giám đốc CIET, cho rằng vấn đề này phổ biến nhất ở các khu vực bị bỏ quên như các khu ổ chuột. Tuy nhiên, việc cấm hoàn toàn đốt nhựa có thể không phải giải pháp tối ưu. Thay vào đó, bà đề xuất các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch cho hộ nghèo, cải thiện hệ thống quản lý chất thải và nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc đốt nhựa để giải quyết vấn đề này một cách bền vững.

Hải Đăng