Xử lý không phân loại rác tại nguồn: Ai phạt? - Phạt ai?

Emagazines - Ngày đăng : 10:32, 24/02/2025

Từ 1/1/2025, nếu người dân không phân loại rác tại nguồn có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều khu vực, người dân vẫn thản nhiên đổ tất cả các loại rác vào chung một thùng mà không phải đối mặt với bất kỳ hình thức xử phạt nào.
Emagazines

Xử lý không phân loại rác tại nguồn: Ai phạt? - Phạt ai?

Thanh Thảo - Hoàng Thơ 24/02/2025 10:32

Từ 1/1/2025, nếu người dân không phân loại rác tại nguồn có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều khu vực, người dân vẫn thản nhiên đổ tất cả các loại rác vào chung một thùng mà không phải đối mặt với bất kỳ hình thức xử phạt nào.

capture(5).png

Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

capture(6).png

Theo đó, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (như giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện tử thải bỏ...); chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác). Nếu không phân loại, người dân sẽ bị xử phạt 500.000 đến 1 triệu đồng, theo Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Luật quy định là vậy nhưng để triển khai trong thực tế lại là điều không hề đơn giản, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, nơi tình trạng ô nhiễm và khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng.

Chưa có sự chuyển biến rõ ràng

Quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) là một trong 5 quận được triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn của thành phố. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Minh Phương cho biết, để chương trình thí điểm đi vào thực chất, UBND quận chỉ đạo 18 phường đồng loạt triển khai thí điểm phân loại rác thải tại nguồn. Các phường đều công bố rõ về thời gian, địa điểm thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại để người dân thực hiện, tránh tình trạng sau phân loại lại đổ bừa bãi ra môi trường.

Sau nhiều tháng triển khai thí điểm, ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Không chỉ là việc phân loại rác, người dân dần hình thành thói quen sống xanh, giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và thực hiện tái sử dụng.

1.png

Dù đã có một số kết quả tích cực, tuy nhiên, quá trình phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội vẫn còn gặp nhiều thách thức lớn. Việc phân loại rác đòi hỏi cần có các thùng rác chuyên biệt cho từng loại rác, cùng với đó là hệ thống thu gom và vận chuyển tương ứng. Thực tế cho thấy, nhiều khu vực ở Hà Nội chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, gây khó khăn cho việc phân loại và thu gom rác.

capture(7).png
Một số người dân cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào về việc phân loại rác

Sinh sống tại quận Ba Đình, cũng là một trong 5 quận triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn của thành phố nhưng gia đình chị Thu Thủy (42 tuổi) cho biết vẫn chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào về việc phân loại rác. “Thùng rác vẫn như cũ, không có ngăn chia hay ký hiệu gì, cũng muốn phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường mà không có thì cũng khó cho mình. Cũng có khi tôi phân loại từ nhà nhưng khi xe thu rác đến lại đổ tất cả vào chung hết.” - Chị Thủy chia sẻ.

Tương tự các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, tại địa bàn đông dân cư sinh sống như quận Đống Đa, nhiều người dân cũng phản ánh về tình trạng chưa có đủ hệ thống các thùng rác phân loại, chủ yếu vẫn chỉ là những thùng lớn dùng chung, không có dấu hiệu thay đổi.

“Nên sắp xếp thêm nhiều thùng rác chuyên dụng ở nhiều khu vực giúp chúng tôi phân loại rác thải dễ dàng, giảm tình trạng vứt rác thải bừa bãi, ở gần người ta đổ còn tiện chứ xa quá đâm ra lại lười, mọi người cứ tặc lưỡi vứt bừa cho xong.” – Ông Hoàng Văn Chính (72 tuổi), người dân sống tại quận Đống Đa cho hay.

capture(8).png
Đến thời điểm hiện tại, nhiều khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa có quy trình phân loại rác hợp lý

Không chỉ về cơ sở vật chất, công tác truyền thông và hướng dẫn người dân thực hiện cũng chưa được triển khai hiệu quả. Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa có quy trình phân loại rác hợp lý.

Anh Nguyễn Vũ Tùng (32 tuổi), một cư dân sống tại chung cư trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), cũng cho biết: “Chúng tôi đã được hướng dẫn về việc sẽ phân loại rác thế nào đâu. Mỗi ngày, tôi vẫn mang rác chung vào thùng rác của khu chung cư. Tuy nhiên, dù tôi đã cố gắng phân loại rác tại nhà, như chai nhựa, thủy tinh, thực phẩm, nhưng khi tôi đổ xuống ống rác, công nhân môi trường vẫn thu gom rác hỗn hợp, không phân loại như mình đã làm.” Anh Tùng nhấn mạnh, việc thiếu cơ chế đồng bộ và sự tham gia của công nhân vệ sinh môi trường có thể cản trở hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn.

capture(10).png
Anh Nguyễn Vũ Tùng tiến hành phân loại rác thải tại nhà
cong-nhan-vs.jpg
Nhiều nhân viên vệ sinh môi trường gặp khó khăn trong công việc khi người dân không phân loại rác thải ngay từ đầu

Ở phía các công nhân vệ sinh môi trường, bà Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi) - một nhân viên thu gom rác tại khu vực Cầu Giấy lại cho biết: “Chúng tôi đã có các thùng rác riêng để phân loại rác, nhưng khi thu gom, đa số người dân vẫn không phân loại mà vứt rác vào thùng chung. Thậm chí, nhiều hộ gia đình đã phân loại rác nhưng do các thùng rác chung, chúng tôi không thể thu gom riêng biệt.”

2-1-.png

Sự thiếu đồng bộ này không chỉ làm giảm hiệu quả của quy định phân loại rác mà còn tạo ra sự bất mãn ở cả hai phía (người dân và nhân viên vệ sinh môi trường). Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện hiệu quả.

capture(9).png
Ống đổ rác khu chung cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Tại chung cư Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), việc phân loại rác gần như chưa được thực thi. Tất cả người dân đều đổ rác chung vào một đường ống rác mà không có bất kỳ sự phân loại nào. Chị Mai Hương (37 tuổi), một cư dân lâu năm ở đây, chia sẻ: “Tôi có nghe qua về việc không phân loại rác từ đầu năm nay sẽ bị phạt tiền nhưng tôi thấy mọi nhà xung quanh vẫn đổ rác như cách cũ. Vì vậy, mỗi ngày tôi vẫn đổ tất cả rác vào đường ống như bình thường, vì không có ai hướng dẫn cách làm đúng cũng không có ai xử phạt gì.”

Phải chăng do việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai và thực thi một cách nghiêm túc cũng là một trong những lý do khiến ở nhiều nơi, công tác phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được thực hiện?

Về vấn đề này, PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhận định, việc triển khai phân loại rác tại nguồn gặp phải rất nhiều khó khăn từ khâu chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho đến công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm.

3-1-.png

Cũng giống như Hà Nội, tại TP.HCM, với dân số đông đúc và khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, cũng không tránh khỏi những khó khăn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Chị Trinh Nguyễn (29 tuổi), một cư dân sinh sống tại quận 5 (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi biết về quy định phân loại rác từ lâu, nhưng tôi vẫn chưa thực sự rõ ràng về cách thức phân loại rác tại nguồn. Tôi chỉ biết phân loại rác thành ba loại cơ bản: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác nguy hại, nhưng vẫn còn nhiều thắc mắc về cách phân loại rác thải thực phẩm hay các vật liệu khác.”

z6337757271168_ebffd03a3e4014f84f298f3d67a2077e.jxl(1).jpg
Việc thiếu các thùng rác phân loại tại các khu dân cư khiến cho việc phân loại rác trở nên không hiệu quả

Chị Trinh cho biết, mặc dù đã có một số buổi tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn, nhưng do thiếu thông tin chi tiết và sự hỗ trợ thực tế từ các cơ quan chức năng, nhiều người dân vẫn chưa thực hiện đầy đủ quy định. Cũng như tại Hà Nội, việc thiếu các thùng rác phân loại tại các khu dân cư khiến cho việc phân loại rác trở nên không hiệu quả.

“Xử phạt” liệu có hiệu quả?

Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai do thiếu hướng dẫn cụ thể và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước đó, các chuyên gia môi trường đều nhận định, việc phân loại rác tại nguồn là cần thiết, nhưng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ, rất khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương chưa được trang bị đủ thùng rác chuyên dụng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải tái chế chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, dẫn đến việc triển khai chậm trễ. Mặc dù đã có nhiều hội thảo, chuyên đề, văn bản hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng đến nay người dân vẫn chưa nắm được chủ trương, cách thức thực hiện, nhiều người dân chỉ biết là bị phạt nhưng không biết mức phạt ra sao.

Đặc biệt, một nguyên nhân không nhỏ khiến chủ trương phân loại rác tại nguồn vẫn chưa thể đi vào đời sống là thói quen sinh hoạt của người dân. Việc thay đổi thói quen sử dụng một thùng rác duy nhất trong nhiều năm không phải là điều dễ dàng.

Theo các chuyên gia, với tình trạng hiện tại, khả năng thực thi đồng bộ quy định về phân loại rác tại nguồn trên cả nước chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Phân loại rác cần bắt đầu từ nhận thức của người dân, nhưng công tác truyền thông hiện chưa đạt hiệu quả mong đợi. Ngoài ra, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ và hình thức xử phạt rõ ràng, việc thực hiện có nguy cơ bị bỏ ngỏ.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, để thực hiện thành công phân loại rác tại nguồn, trước tiên phải thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những mặt chưa tốt về phía người dân, cán bộ quản lý, chế tài xử phạt, điều kiện thực hiện đồng thời phân rõ trách nhiệm và giải pháp phù hợp với từng địa phương cụ thể.

34.png

Ngoài ra, các hình thức phạt tiền có thể giúp nâng cao ý thức người dân, nhưng PGS.TS An cho rằng: “Mức phạt phải hợp lý và đi kèm với những biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể để người dân có thể thực hiện phân loại rác một cách dễ dàng và hiệu quả.” Bên cạnh đó, cần có hệ thống giám sát và xử phạt minh bạch. Cần có lực lượng kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh, để người dân dần hình thành ý thức tuân thủ. Nếu không có sự răn đe và kiểm soát chặt chẽ, việc phân loại rác khó có thể đi vào nề nếp.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08, Thông tư 02 đã quy định rất rõ về nội dung liên quan đến phân loại rác thải tại nguồn, nếu người dân, DN nào không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, để chủ trương này thật sự đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

6788.png

Việc phân loại rác tại nguồn là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đặc biệt đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, sự hỗ trợ và hướng dẫn đầy đủ cho người dân, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác.

Ngoài ra, cần có sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng và áp dụng hình thức xử phạt công khai, minh bạch đối với những trường hợp vi phạm. Chỉ khi các quy trình này được đồng bộ và thực thi nghiêm túc, việc phân loại rác tại nguồn mới có thể mang lại hiệu quả thực sự, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề này.

Thanh Thảo - Hoàng Thơ