Công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:52, 14/08/2021

Moitruong.net.vn – Triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển… là những giải pháp quan trọng được đưa ra tại Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Ngày 13/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tạ Đình Thi cho biết, thực hiện Điều 51 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng “Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020”.

Đây là báo cáo đầu tiên về hiện trạng môi trường biển quốc gia, được xây dựng sau khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Báo cáo nhằm đánh giá tổng quan các vấn đề về hiện trạng và diễn biến môi trường biển và hải đảo quốc gia từ năm 2016-2020. Việc phân tích thực trạng, nhận định những thách thức của công tác bảo vệ môi trường biển là cơ sở định hướng và đề xuất các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển và hải đảo, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. “Đây sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực đối với công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo”, Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi nhận định.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 gồm 6 chương, Ảnh: Bộ TB&MT

Ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký Văn bản số 4944/BTNMT-TCBHĐVN, công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Báo cáo được xây dựng dựa trên mô hình Động lực-Áp lực-Hiện trạng-Tác động-Đáp ứng (DPSIR). Trong đó, “Động lực” là sự gia tăng dân số, phát triển đô thị và các ngành kinh tế biển… Các hoạt động phát triển này đã tạo ra những áp lực lớn làm thay đổi hiện trạng chất lượng môi trường nước biển và hải đảo. Hiện trạng môi trường biển và hải đảo tập trung đánh giá chất lượng nước biển ven bờ, xa bờ, trầm tích biển và hiện trạng đa dạng sinh học biển. Chất lượng môi trường nước biển được đánh giá thông qua chỉ số rủi ro môi trường và thông qua việc so sánh kết quả quan trắc các thông số đặc trưng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường nước biển, trầm tích biển hiện hành. Tác động đến môi trường biển và hải đảo thông qua sự gia tăng ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm xuyên biên giới và các sự cố môi trường… Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, tồn tại và thách thức… để đưa ra đề xuất, giải pháp giải quyết những vấn đề trọng tâm ưu tiên nhằm quản lý hiệu quả môi trường biển và hải đảo trong giai đoạn tới.

Báo cáo gồm 6 chương với các nội dung chính: Tổng quan về biển và hải đảo Việt Nam; áp lực của phát triển kinh tế-xã hội đối với môi trường biển và hải đảo; hiện trạng môi trường biển và hải đảo; tác động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; quản lý môi trường biển, liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo; các cơ hội, thách thức và giải pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đặc biệt, báo cáo đã chỉ rõ áp lực của phát triển kinh tế-xã hội đối với môi trường biển và hải đảo. Theo đó, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá toàn diện về thải lượng các chất ô nhiễm trực tiếp xả ra môi trường biển, phần lớn các nghiên cứu tập trung phân tích, tính toán thải lượng của một ngành nghề hoặc một hoạt động phát thải ra vùng biển. Do hạn chế về nguồn số liệu, báo cáo phân tích nguồn thải về quy mô tác động, mức độ ảnh hưởng, thành phần chất thải phát sinh. Các nguồn thải chính được đề cập trong báo cáo gồm nguồn thải từ hoạt động dân cư (sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ); nguồn thải từ hoạt động công nghiệp; nguồn thải từ hàng hải trên biển; nuôi trồng thủy hải sản trên biển; khai thác, thăm dò dầu khí trên biển.

Phần lớn các chất thải từ đất liền tác động gián tiếp đến môi trường nước biển và hải đảo thông qua các cửa sông ven biển, mức độ gia tăng tại các cửa sông chảy qua hoặc gần các thành phố biển. Kết quả thống kê cho thấy, có 74% lượng chất thải rắn của các địa phương có biển được thu gom (năm 2019); lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 122-163 triệu m3/ngày; có đến 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước tập trung ở khu vực ven biển, theo đó là sự phát triển các dịch vụ du lịch biển, hệ quả không chỉ gây áp lực lên hạ tầng đô thị (hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải khi nhu cầu sử dụng điện, nước) mà còn tác động đến không gian của các đô thị ven biển, tác động rõ nhất là sự thay đổi cảnh quan ven biển, điển hình như các dự án lấn biển làm khu nghỉ dưỡng.

Đối với các nguồn thải trên biển, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và hoạt động từ du lịch biển là nguồn thải có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vịnh, đầm phá ven biển. Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại dương trong những năm gần đây là vấn đề lớn mang tính toàn cầu và cũng là áp lực lớn trong công tác quản lý chất thải trên biển ở nước ta.

Đối với nội dung tác động ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, báo cáo cho thấy, những năm qua, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống, sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với các hệ sinh thái, sinh vật biển.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường biển. Đặc biệt nước biển dâng trong bão kèm theo sóng lớn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng do mực nước dâng cao bất ngờ, gây ngập lụt khu vực ven biển. Bên cạnh đó, việc xảy ra một số sự cố môi trường do xả thải chất thải công nghiệp (điển hình là sự cố môi trường nghiêm trọng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa) và sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển.

Báo cáo sẽ là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực đối với công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách về công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Các sự cố môi trường biển thường để lại hậu quả nặng nề làm gia tăng ô nhiễm đối với môi trường, hệ sinh thái biển, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế biển như du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Các tác động trên đã làm chất lượng môi trường nước biển bị suy giảm, tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ đã và đang diễn ra ở các tỉnh thành ven biển, đặc biệt là vùng cửa sông các tỉnh phía Bắc và dọc dải ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Ô nhiễm hữu cơ tuy chỉ có tính cục bộ nhưng khá cao và vượt mức cho phép ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam, như Cửa Lục (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) và Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)…

Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Đến nay đã ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên thế giới) để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực). Kết quả nghiên cứu của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) và một số tổ chức quốc tế khác trong những năm gần đây đều chỉ ra rằng khoảng hơn 80% lượng cá trên các vùng biển ven bờ và ngoài khơi của Việt Nam đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá bị khai thác quá mức hoặc khai thác cạn kiệt; sản lượng đánh bắt giảm đáng kể; nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trên cơ sở phân tích đó, Báo cáo cũng đưa ra các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo gồm: Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thể chế về lĩnh vực biển và hải đảo giai đoạn 2020-2025 theo Nghị Quyết số 36-NQ/TW; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; tăng cường năng lực và hợp tác quốc tế; triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.

Duy Minh

Duy Minh