Hơn 15.000 cây rừng ngập mặn và bản địa được trồng để phục hồi đa dạng sinh học tại Thừa Thiên Huế

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 07:30, 25/03/2025

Trong hai ngày 23 và 24/3, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) đã bàn giao 10.120 cây giống rừng ngập mặn, bao gồm bần chua và dừa nước, cho hai xã Phú Hải và Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là hoạt động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái tại phá Tam Giang.
Tài nguyên và phát triển

Hơn 15.000 cây rừng ngập mặn và bản địa được trồng để phục hồi đa dạng sinh học tại Thừa Thiên Huế

Phúc Minh 25/03/2025 07:30

Trong hai ngày 23 và 24/3, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) đã bàn giao 10.120 cây giống rừng ngập mặn, bao gồm bần chua và dừa nước, cho hai xã Phú Hải và Phú Gia, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là hoạt động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái tại phá Tam Giang.

Trước đó, ngày 18/3, CSRD cũng đã hỗ trợ bàn giao hơn 5.000 cây giống rừng bản địa, gồm lim xanh, sến trung và sao đen, cho xã Hương Phong, huyện A Lưới. Số cây này sẽ được sử dụng để tái tạo và phục hồi diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn.

trong-cay.jpg
Cộng đồng các địa phương hưởng lợi tham gia trồng rừng ngập mặn trên phá Tam Giang

Các hoạt động trên nằm trong khuôn khổ dự án "Trồng cây ngập mặn phân tán xung quanh các đầm nuôi thủy sản tại khu vực đầm phá Tam Giang và trồng cây rừng bản địa nhằm phục hồi rừng tự nhiên tại huyện A Lưới". Dự án được UBND thành phố Huế phê duyệt theo quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 20/1/2025, với tổng kinh phí hơn 735 triệu đồng (tương đương 29.875 USD), do Công ty Cotswold Company (UK) Ltd, Vương quốc Anh tài trợ. Dự án kéo dài đến tháng 9/2025, bao gồm các hoạt động khảo sát, trồng rừng phân tán và giám sát sau trồng.

Ngoài việc hỗ trợ cây giống, CSRD cũng cấp kinh phí 31,3 triệu đồng cho các địa phương để triển khai trồng rừng, trong đó xã Hương Phong nhận 10 triệu đồng, Phú Gia 13,2 triệu đồng và Phú Hải 9,1 triệu đồng.

PGS.TS. Trịnh Thị Định - Giám đốc CSRD, cho biết dự án hướng đến việc nâng cao vai trò cộng đồng trong phát triển mô hình sinh kế thủy sản bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và tăng cường độ che phủ rừng ở vùng núi A Lưới. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần giảm hiệu ứng khí nhà kính, hạn chế sạt lở đất vào mùa mưa lũ, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững.

Phúc Minh