Hoàn thổ sau khai thác khoáng sản tại Việt Nam (Bài 3): Giải pháp phục hồi môi trường

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:30, 25/07/2021

Moitruong.net.vn – Việc khai thác khoáng sản và hoàn thổ lại diện tích đã khai thác là điều bắt buộc với các đơn vị khai thác khoáng sản. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác được đưa ra, hướng tới đảm bảo hài hòa lợi ích và phát triển bền vững.

Quy hoạch phục hồi môi trường đất

Quá trình hoàn thổ theo quy hoạch là cách tiếp cận tối ưu, đó là bước đi đầu tiên và rất cần thiết trong công tác bảo vệ môi trường các khu vực mỏ sau khai thác. Do vậy, cần lập quy hoạch hoàn thổ, phục hồi môi trường đối với từng khu khai thác. Trong đó, tại mỗi khu xác định rõ mục đích sử dụng, loại cây trồng và tổ chức thực hiện theo dạng mô hình như (1) trồng rừng lâm nghiệp; (2) cải tạo đất phục vụ phát triển các cây công nghiệp như chè, cà phê, hồ tiêu…; (3) trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, rau, củ, quả… để cung cấp thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Công trình hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác bauxite mỏ Tân Rai

Đất được quy hoạch hoàn thổ, phục hồi môi trường theo các khu với mục đích sử dụng khác nhau phù hợp với điều kiện từng khu vực không chỉ góp phần làm cho quá trình hoàn thổ được tiến hành dễ dàng và hiệu quả, mà còn thuận tiện hơn cho quá trình đánh giá chất lượng đất và hoàn trả đất cho các địa phương sau này.

Kỹ thuật hoàn thổ phục hồi môi trường

Một số giải pháp kỹ thuật được đề xuất nhằm nâng cao chất lượng của công tác hoàn thổ phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

Sau khi khai thác khoáng sản, các lớp quặng được đổ xuống moong khai thác. Dùng các bao chứa vật liệu để bao xung quanh thành moong, vừa tránh rửa trôi đất lại tạo địa hình dốc cho khu vực hoàn thổ. Quặng đuôi được đổ xuống moong theo từng lớp, khi lớp đất khô đi thì co hẹp các bao chứa vật liệu lại, rồi đổ thêm lớp quặng đuôi mới. Như vậy địa hình sau khi hoàn thổ sẽ có xu hướng giống với ban đầu.

Cuối cùng, đổ lớp đất thổ nhưỡng ban đầu, tiến hành làm tơi, cuốc sâu, bón phân để cải tạo đất rồi trồng cây giống đã ươm lên trên.

Trong thời gian đầu, có thể lựa chọn các loại cây chịu hạn và sinh trưởng nhanh như cây keo, cây dâm bụt, và các cây họ đậu để cải tạo đất. Sau một chu kỳ có thể căn cứ vào chất lượng đất được cải thiện để thực hiện trồng tiếp một chu kì cây nữa hoặc chuyển sang trồng các cây nông nghiệp, công nghiệp khác.

Quy trình này sẽ tiết kiệm được diện tích đất xây dựng thêm hồ chứa, giảm rủi ro sự cố phát sinh từ hồ chứa này, đồng thời tạo ra địa hình mới, giảm được hiện tượng xói mòn và tăng hiệu quả của quá trình hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.

Đất trước khi khai thác khoáng sản có thể trồng cà phê, chè, tiêu, điều, hướng dương và các cây nông nghiệp, công nghiệp khác. Do vậy, cần đa dạng hoá các loài động, thực vật trong khu vực hoàn thổ phục hồi trường để tăng tính đa dạng sinh học và nâng cao giá trị sử dụng của đất. Để thực hiện được công việc này, chi phí cho công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường sẽ tăng lên, nhưng sẽ đảm bảo được hiệu quả của đất sau quá trình khai thác quặng. Việc phân phối hiệu quả này là rất cần thiết để tạo việc làm, thu nhập và an sinh xã hội cho người dân.

Trong mùa mưa, việc hoàn thổ, phục hồi môi trường cần được tiến hành xong trước mùa mưa, đồng thời kết hợp với các biện pháp kè bờ, che chắn để bảo vệ cây con và đất, chống xói mòn, rửa trôi khi mưa lớn.

Nếu khu vực khai thác khoáng sản là khu vực có bề mặt địa hình dạng đồi, trên đó có lớp đất đỏ bazan với thảm thực vật chủ yếu là thông và cây công nghiệp cà phê, chè, tiêu, cao su… Doanh nghiệp đã tiến hành trồng và chăm sóc cây keo tại các khu đất sau khai thác. Khi hết vòng đời dự án, doanh nghiệp khai thác gỗ đã trồng trước khi trả lại đất cho địa phương hoặc địa phương cân nhắc tiếp nhận đất theo diện rừng trồng trong chương trình bảo vệ và phát triển rừng của địa phương với mức chi trả theo quy định.

Tuy nhiên, nếu chỉ để trồng keo trong những năm còn lại của vòng đời dự án thì rất lãng phí, cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sớm trả lại đất cho người dân canh tác, nâng cao giá trị sử dụng của đất, nhưng cần đảm bảo các tiêu chí về chất lượng và hiệu quả của đất sau hoàn thổ.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, lớp phủ thổ nhưỡng bị xáo trộn mạnh, chất lượng đất bị thay đổi nhiều, vì vậy doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần thống nhất bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đất sau phục hồi môi trường để phục vụ cho quá trình ban giao, hoàn trả đất sau khai thác. Đất sau khi hoàn thổ được đánh giá các tiêu chí trên và so sánh với chất lượng đất ở những khu vực lân cận, nếu phù hợp với mục tiêu sử dụng đất sau này thì có thể chấp nhận được. Chính quyền địa phương thực thi nguyên tắc chỉ tiếp nhận lại đất khi các tiêu chí về chất lượng đất được đảm bảo và đáp ứng yêu cầu. Như vậy, quá trình hoàn trả đất sau khai thác không tiến hành theo vòng đời dự án như trước đây, mà căn cứ vào chất lượng đất sau khi đã tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường. Để thực hiện được giải pháp này, cần sớm xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện hoàn thổ, phục hồi môi trường đất sau khai thác khoáng sản.

Khuyến nghị doanh nghiệp phân chia đất mỏ thành các khu có quy mô diện tích phù hợp với quy trình khai thác khoáng sản bằng phương tiện cơ giới, tiến hành khai thác liên hoàn các khu, rồi hoàn thổ, phục hồi môi trường càng nhanh càng tốt, đồng thời tiến hành chăm sóc và cải tạo đất phù hợp với mục đích sử dụng sau này để sớm hoàn trả lại đất đã phục hồi cho địa phương.

Minh Anh 

Minh Anh