Kon Tum: Huyện Đăk Hà thực hiện hiệu quả chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 16:54, 28/03/2025

Chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cho diện mạo các xã khu vực khó khăn khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng lên…
Cuộc sống xanh

Kon Tum: Huyện Đăk Hà thực hiện hiệu quả chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Minh {Ngày xuất bản}

Chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cho diện mạo các xã khu vực khó khăn khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng lên…

Theo thống kê của UBND huyện Đăk Hà, Chương trình MTTQ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, trong giai đoạn năm 2022- 2024, huyện Đăk Hà được Trung ương đầu tư 149,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 27,13 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác là 17,45 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, huyện triển khai hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 61 hộ, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho 352 hộ thiếu đất sản xuất, triển khai 24 dự án hỗ trợ bò cái sinh sản cho 329 hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS. Đồng thời, huyện đầu tư, sửa chữa 95 công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa để phục vụ sản xuất, đời sống của người dân. Triển khai nâng cấp, bổ sung phòng học, phòng bộ môn tại 3 điểm trường phổ thông dân tộc bán trú, mở 29 lớp xóa mù chữ cho hơn 740 người dân. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Đăk Hà tích cực tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước, chủ động đón nhận và tham gia vào các nội dung, dự án, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Từ năm 2022- 2024, toàn huyện Đăk Hà có 510 hộ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với tổng số vốn vay 20,32 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

z6444530899962_39cb564ae2429aa7188a5ba8d4ec12c2.jpg
Đời sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện hơn.

Được biết, hiện tại, 99,93% hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có đất ở và 99,17% có đất sản xuất, 10/10 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 20 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 17 thôn (làng) được công nhận đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn huyện Đăk Hà chỉ còn 342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,83% tổng số hộ dân toàn huyện; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 57,4 triệu đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế/dân số trung bình đạt 95,58%, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo người dân được khám chữa, bệnh đầy đủ.

Điển hình ở xã Đăk Long – địa phương có trên 92% là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua đã sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025, xã Đăk Long đã triển khai đầu tư một số công trình nước sinh hoạt phân tán, bê tông các tuyến đường nội thôn, sửa chữa các điểm trường học nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Đồng thời, địa phương xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi heo sọc dưa, bò sinh sản. Từ đó, góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, đóng góp vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã Đăk Long đạt 47,88 triệu đồng; Đăk Long đã UBND tỉnh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện Đăk Hà chú trọng đầu tư, hỗ trợ người dân bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, huyện Đăk Hà đã triển khai hỗ trợ xây dựng 8 thiết chế văn hóa, mở 2 lớp dạy cồng chiêng, múa, xoang, 245 bộ trang phục và một số nhạc cụ dân tộc truyền thống cho các thôn, làng. Các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, góp phần thu hút khách du lịch đến địa bàn.

Năm 2024, huyện Đăk Hà đã thu hút trên 41.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Minh Vương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Chính sách hỗ trợ đặc thù cho đồng bào DTTS đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trên địa bàn, làm cho diện mạo các xã khu vực khó khăn khang trang hơn, đời sống của người dân được nâng lên.

Bình Minh