Hơn 10.000 loài động thực vật tại rừng Amazon có nguy cơ tuyệt chủng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 00:30, 19/07/2021
Báo cáo đã tổng hợp các nghiên cứu về rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới được thực hiện bởi 200 nhà khoa học trên toàn thế giới. Đây là báo cáo đánh giá chi tiết nhất về tình trạng rừng Amazon cho đến nay, cũng như làm rõ vai trò quan trọng của rừng Amazon đối với khí hậu toàn cầu, đồng thời chỉ ra những nguy cơ tiềm tàng mà khu rừng này đang phải đối mặt.
Tính đến nay, khoảng 18% diện tích rừng Amazon đã bị tàn phá, chủ yếu là do hoạt động nông nghiệp cũng như khai thác gỗ trái phép. Hơn nữa, khoảng 17% diện tích tại đây đang bị suy thoái. Sự tàn phá liên tục của con người đối với rừng Amazon là một trong những nguyên nhân khiến hơn 8.000 loài thực vật đặc hữu và 2.300 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Theo Giáo sư Mercedes Bustamante thuộc Đại học Brasilia ở Brazil, các nghiên cứu khoa học cho thấy con người phải đối mặt với những nguy cơ thảm khốc tiềm ẩn và không thể đảo ngược do nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Tuy vậy, vẫn còn cơ hội mong manh để thay đổi xu hướng này.
Theo báo cáo trên, rừng nhiệt đới là một bức tường thành quan trọng chống lại biến đổi khí hậu. Do đó, rất cần giảm hoàn toàn nạn phá rừng và tình trạng suy thoái rừng trong chưa đầy một thập kỷ. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục các khu vực đã bị phá hủy trên quy mô lớn.
Tại Brazil, nạn phá rừng đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019. Tỷ lệ phá rừng năm 2020 ở mức cao nhất trong 12 năm qua và điều này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế.
Nhà lãnh đạo Brazil cho phép khai mỏ và canh tác nông nghiệp tại các khu vực được bảo tồn ở rừng nhiệt đới Amazon, đồng thời làm giảm vai trò của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường. Các nhà môi trường học và các nhà khoa học cho rằng chính điều này đã trực tiếp dẫn tới nạn phá rừng ngày càng tăng.
Khoảng một tuần trước, nước láng giềng Colombia cho biết tỷ lệ phá rừng tại đây đã tăng 8% trong năm 2020 so với năm 2019, lên mức 171.685 hécta. Đặc biệt, gần 64% số vụ phá rừng diễn ra tại khu vực rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Colombia.
Báo cáo cho biết, đất và thảm thực vật của Amazon hấp thụ khoảng 200 tỷ tấn carbon, nhiều hơn 5 lần so với lượng khí thải CO2 hàng năm của thế giới. Tuy vậy, nạn phá rừng có thể đe dọa chức năng hoạt động như một bể chứa carbon của Amazon, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu càng trầm trọng hơn.
Cũng trong ngày 14/7, một nghiên cứu riêng biệt khác đăng tải trên tạp chí Nature (tạp chí khoa học danh giá thế giới) công bố, một số khu vực của Amazon đang “nhả” nhiều carbon hơn lượng mà chúng hấp thụ. Kết quả này thu được thông qua biện pháp đo lường lượng khí CO2 và CO tại rừng Amazon từ năm 2010-2018.
Tác giả nghiên cứu, nhà khoa học Luciana Gatti thuộc Cơ quan nghiên cứu Vũ trụ Inpe của Brazil nhận định, tại miền Đông Nam Amazon – khu vực diễn ra nạn phá rừng nghiêm trọng, lượng phát thải carbon tăng không chỉ do cháy rừng và tàn phá rừng trực tiếp mà còn do sự gia tăng tỷ lệ cây rừng chết do hạn hán nghiêm trọng và nhiệt độ tăng cao.
Duy Minh