Hà Nội: Khởi sắc từ những mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 18:00, 04/04/2025
Rau hữu cơ “cháy hàng”, nông dân đổi đời
Tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), nông trại hữu cơ Gen Xanh là một trong những điển hình tiên phong theo đuổi mô hình canh tác xanh – sạch – không hóa chất. Trái với định kiến “làm nông hữu cơ là thiệt thòi”, trang trại này lại cho thấy một tương lai nông nghiệp đầy triển vọng: rau củ được bán với giá cao gấp 2 - 4 lần so với rau thường nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.
“Giá rau hữu cơ thường cao gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp bốn lần so với rau thông thường. Như ổi chẳng hạn, ngoài chợ bán vài nghìn đồng một ký, nhưng ổi hữu cơ của chúng tôi có giá 40.000 đồng/kg mà không có đủ hàng để bán”, anh Nguyễn Đức Chinh – người sáng lập Gen Xanh chia sẻ.

Theo anh Chinh, người tiêu dùng hiện nay ngày càng ưu tiên sức khỏe, sẵn sàng chi trả cao hơn để sử dụng thực phẩm sạch. Chính vì vậy, sản phẩm hữu cơ thường được khách đặt trước, giao tận nhà – giúp nông dân an tâm sản xuất mà không lo biến động thị trường.
Điều đặc biệt hơn, mô hình này không chỉ mang lại thu nhập tốt mà còn góp phần thay đổi tư duy người nông dân. “Ngày trước, ai cũng bảo không dùng phân hóa học, không phun thuốc thì sao trồng được rau. Giờ thì các bác ấy lại chủ động xin rau hữu cơ về ăn, vì họ sợ thuốc trừ sâu gây hại sức khỏe”, anh Chinh kể.
Với chuyên môn là Tiến sĩ nông nghiệp, từng công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, anh Nguyễn Đức Chinh không chỉ sản xuất để bán mà còn theo đuổi một lý tưởng: tái tạo hệ sinh thái nông nghiệp. Việc loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu không chỉ làm sạch thực phẩm, mà còn phục hồi đất đai – nền tảng của canh tác bền vững.
“Khi đất không còn hóa chất, giun đất và vi sinh vật quay trở lại. Đất tơi xốp, giữ nước tốt, không bị thoái hóa hay xói mòn”, anh Chinh khẳng định.
Dẫu vậy, không phải ai cũng dễ dàng làm hữu cơ. Rào cản lớn nhất – theo anh – chính là vấn đề đất sạch. “Đất ở đâu cũng có ô nhiễm, kể cả lên vùng núi. Chúng tôi may mắn khi tìm được khu vực Hiệp Thuận, nơi nguồn nước được quản lý cho mục đích sinh hoạt, tương đối an toàn cho canh tác hữu cơ”, anh nói thêm.
Thách thức lớn hiện nay là làm sao bảo vệ vùng sản xuất hữu cơ khỏi nguy cơ ô nhiễm từ những ruộng lân cận vẫn còn dùng thuốc hóa học.
Trồng nho – làm du lịch: Nông nghiệp đa giá trị lên ngôi
Không chỉ Gen Xanh, nhiều nông dân Hà Nội cũng đang mạnh dạn ứng dụng tư duy mới trong nông nghiệp: tích hợp đa giá trị trên một đơn vị đất.
Tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức), ông Nguyễn Hữu Hùng đã xây dựng một mô hình độc đáo: vừa trồng nho hạ đen, vừa làm du lịch trải nghiệm. Trang trại mở cửa cho du khách vào tham quan, học cách chăm sóc nho, thưởng thức trái cây ngay tại vườn.
“Chi phí ban đầu có thể cao hơn, nhưng bù lại, giá trị mang lại lớn hơn rất nhiều. Người dân Thủ đô được tiếp cận thực phẩm sạch tại chỗ, trẻ em được vui chơi, trải nghiệm thiên nhiên”, ông Hùng chia sẻ với niềm tự hào.

Mô hình này không chỉ tăng thu nhập cho gia đình ông, mà còn góp phần làm phong phú thêm các hoạt động du lịch ngoại thành Hà Nội – vừa phát triển kinh tế nông thôn, vừa bảo tồn không gian xanh.
Trước xu thế mới, Hà Nội đang tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang sản xuất xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng hữu cơ – VietGAP – ứng dụng công nghệ cao.
Song song với đó là tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc thay thế hóa chất, cũng như chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, nhằm tối ưu giá trị gia tăng trên một diện tích đất canh tác.
Mục tiêu cuối cùng là hướng đến một nền nông nghiệp xanh – an toàn – bền vững, gắn kết giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm đang là mối lo toàn cầu, những mô hình nông nghiệp xanh ở Hà Nội không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tạo dựng niềm tin – rằng nông nghiệp sạch, bền vững là hoàn toàn khả thi nếu có sự đồng hành của chính sách, khoa học và ý chí người nông dân.